Phát huy hiệu quả mô hình trường học mới

Cập nhật 10/11/2016, 13:11:11

Năm học 2016-2017, tỉnh Gia Lai vẫn tiếp tục duy trì mô hình trường học mới tại 70 trường với hơn 28. 000 học sinh từ lớp 2 đến lớp 5. Dù vẫn còn có ý kiến trái chiều băn khoăn về hiệu quả của mô hình này sau khi một số tỉnh tạm dừng nhân rộng, song có thể thấy điểm nổi bật ở cách dạy và học mới là phát huy có hiệu quả tính tự học, tự quản, tính chủ động và sáng tạo trong học tập của học sinh. Phóng sự được thực hiện tại huyện Đak Đoa.

10-11-phathuy

Giờ học sôi nổi, thoải mái, học sinh mạnh dạn phát biểu, tổ chức tự quản tốt khi tham gia học tập theo nhóm… đó là những ưu điểm sau 4 năm triển khai mô hình trường học mới ở 16 lớp học tại Trường Tiểu học số 2 thị trấn Đak Đoa. Chủ động tiếp thu kiến thức, cùng hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong học tập và trở thành trung tâm trong các tiết học là nét nổi bật khiến học sinh thích thú với mô hình này.

Em Huỳnh Bảo Trân – Học sinh lớp 5C Trường Tiểu học số 2, thị trấn Đak Đoa cho biết: “Em thấy học mô hình này em rất là thích, giúp chúng em đoàn kết hơn, thảo luận nhóm sôi nổi, mạnh dạn tự tin phát biểu bài trước lớp, giao tiếp tốt hơn”.

Sau 4 năm triển khai, nhiều giáo viên nhận xét mô hình trường học mới chính là mô hình tiên tiến, phù hợp với mục tiêu đổi mới giáo dục. Giáo viên và học sinh tương tác với nhau nhiều hơn, cách dạy và học đổi mới hoàn toàn đòi hỏi các thầy cô giáo phải luôn năng động, tìm tòi học hỏi kinh nghiệm để áp dụng phương pháp dạy học mới đạt kết quả cao.

Cô Nguyễn Thị Bảo Huyền – Giáo viên Trường Tiểu học số 2 thị trấn Đak Đoa cho biết: “Từ chương trình này chúng tôi học hỏi rất nhiều và cần phải trao đổi với bạn bè, học hỏi nhiều kỹ năng để dạy tốt hơn. Ở trường chúng tôi gặp nhiều thuận lợi, chỉ có học sinh ở hai làng ĐBDTTS việc tiếp thu bài của các em không bằng các bạn khác do đó giáo viên phải chú ý quan sát tiếp cận với các em nhiều hơn để giúp các em có kỹ năng giao tiếp và hiểu bài hơn sau mỗi hoạt động nhóm”.

Nói về ưu điểm của mô hình Thầy Võ Thanh Hồng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Yang, huyện Đak Đoa cho biết: “Ưu điểm lớn của VNEN là phát triển toàn diện, đặc biệt theo định hướng của Bộ Giáo dục đó là hình thành và phát triển kỹ năng sống cho học sinh thì phương pháp này  đáp ứng được điều đó. Phương pháp dạy học này  yêu cầu tranh ảnh, phiếu bài tập nhiều cho nên rất cần những máy móc như máy photo, máy chiếu để thực hiện yêu cầu phát triển giáo dục theo mục tiêu đề ra”.

Rút kinh nghiệm từ việc triển khai chương trình  chưa thực sự phù hợp với điều kiện của nhiều địa phương, năm học 2016-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường triển khai mô hình trường học mới trên cơ sở tự nguyện, có cách làm phù hợp, nhân rộng những yếu tố tích cực để thực hiện tốt mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Vấn đề đặt ra là các trường học sẽ làm thế nào để phát huy hiệu quả khi dự án triển khai mô hình đã chấm dứt vào cuối năm học 2015 – 2016 và không còn hỗ trợ kinh phí như thời gian qua./.

Kim Châu, R.Piên


Lượt xem: 114

Trả lời