Phạm Văn Hậu – Người tiên phong phát triển cây đương quy tại Kbang

Cập nhật 23/4/2018, 16:04:54

 Nhận thấy điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở vùng đất Kbang tương đối thuận lợi để phát triển cây dược liệu, anh Phạm Văn Hậu ở  Thôn 1, xã Sơ Pai đã không quản ngại khó khăn, lặn lội ra tận Lào Cai, Yên Bái rồi về Lâm Đồng, Kon Tum để tìm tòi, nghiên cứu, quyết tâm thực hiện cho được mục tiêu đưa cây đương quy về nhân rộng tại Sơ Pai. Sau những bước thăng trầm trong công việc, đến nay, bước đầu anh đã trồng thành công 2ha đương quy, mở ra cơ hội phát triển kinh tế mới cho bản thân và những hộ nông dân trong vùng.

Với thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp, 2ha đương quy này hiện sinh trưởng và phát triển tốt trên vùng đất Sơ Pai. Đây là thành quả bước đầu trên chặng đường mà anh Phạm Văn Hậu lựa chọn khi là người tiên phong đưa cây đương quy về với mảnh đất Kbang.

Theo tính toán của anh Hậu: Sau hơn 1 năm trồng, cây đương quy sẽ cho thu hoạch với trọng lượng 1kg củ/cây, tương đương 30 tấn/ha. Với giá bán thấp nhất khoảng 25 ngàn đồng/kg, sau khi trừ toàn bộ chi phí đầu tư, vận chuyển, gia đình anh cũng thu lời hơn 600 triệu đồng.

Anh Hậu nói: “Từ khi trồng đến giai đoạn này là 3 tháng thì cây phát triển rất tốt, củ đã bằng ngón chân cái rồi. Hiện tại cách chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật thì tôi nghĩ nếu được phổ biến không những cho người trong hợp tác xã mà còn trong khu vực người dân thì cây này phát triển rất tốt”.

Ông Nguyễn Mạnh Tuyển – Chủ tịch UBND xã Sơ Pai, Kbang, Gia Lai cho biết: “Chúng tôi sẽ nhờ các đơn vị đánh giá về chất lượng, sau đó mới tiến hành nhân rộng mô hình trên địa bàn cho người dân và các vùng lân cận”.

Để đảm bảo đầu ra ổn định, anh Phạm Văn Hậu đã chủ động liên kết với các công ty ở Lâm Đồng để tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời áp dụng quy trình chăm sóc khép kín, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Anh Hậu cũng chia sẻ, đương quy không khó trồng và có thể trồng xen với các cây trồng khác như mắc ca, dổi ghép, sầu riêng và bơ…

“Tôi cũng đang làm thêm một quỹ đất ở nơi khác và đang phối hợp với một số công ty giống, các nhà cung cấp và nhu cầu các công ty dược để tìm hiểu, trồng thêm cây sâm Bố Chính, Hồng Đẳng Sâm… đó là các cây dược liệu hiện nay trên thị trường trong và nước đang rất cần”, anh Hậu nói.

Đương quy được xem là dược liệu quý, bổ máu và tốt cho phụ nữ. Trong dự định tương lai, anh Phạm Văn Hậu ấp ủ sẽ mở trang trại để sản xuất nguồn giống và mở cơ sở chế biến đương quy ngay tại Kbang nhằm giảm tối đa chi phí vận chuyển, nâng cao chất lượng đương quy ngay sau khi thu hoạch.

Anh Hậu nói:   Hướng tới thì rất mong các cấp, các ngành, các cơ quan từ tỉnh đến địa phương mong muốn có vấn đề làm sao thứ nhất là tìm hiểu, thứ 2 là có những vùng quy hoạch để bà con phát triển rộng hơn, mang lại thương hiệu cho tỉnh.

Đoàn Bình,Thanh Sáng


Lượt xem: 111

Trả lời