Nuôi cá lồng bè hướng đến câu chuyện du lịch

Cập nhật 20/1/2023, 06:01:57

Mùa Xuân mới đến mang bao niềm vui cho mọi người, mọi nhà. Nông dân nuôi thuỷ sản trên các sông hồ tại Gia Lai cũng phấn khởi khi chuyện làm ăn ngày càng thuận lợi. Với 02 hệ thống sông lớn là sông Ba và sông Sê San và thượng lưu sông Sêrêpôk cùng trên 15 nghìn ha mặt nước hồ, 139 hồ chứa thủy lợi, 48 hồ chứa thủy điện, Gia Lai có nhiều tiềm năng để phát triển nuôi thủy sản, đặc biệt là mô hình nuôi cá lồng bè. Người nuôi trồng thủy sản nâng cao thu nhập, đồng thời gắn với bảo vệ môi trường và phát triển du lịch.

Gắn bó với dòng sông Sê San từ thuở bé, vợ chồng anh Siu Hót đã quá quen thuộc với việc đánh bắt cá trên sông để mưu sinh. Từ ngày xã Ia Khai, huyện Ia Grai có chủ trương phát triển mô hình nuôi cá lồng bè, anh đã mạnh dạn đăng ký tham gia cùng với 05 hộ khác tại địa phương. Ngoài nguồn vốn xã hỗ trợ để làm lồng bè và cá giống, hàng ngày anh đều đi đánh bắt cá thêm ở trên sông, con nào lớn anh bán cho thương lái, con nào nhỏ anh lại thả vào lồng bè để nuôi. Nhờ thế gia đình anh đã có nguồn thu nhập ổn định, ngày càng nhiều thương lái đặt mua cá. Đặc biệt, Xuân Qúy Mão năm nay có thêm niềm vui mới khi được UBND xã chọn mô hình của vợ chồng anh để xây dựng Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Anh Siu Hót – Làng Yom, xã Ia Khai, huyện Ia Grai cho biết: “Nhờ vào dòng sông, gia đình mình có thêm thu nhập. Nay được xã hỗ trợ thêm vốn để phát triển mô hình, mình rất vui. Ra Tết mình sẽ làm thêm 2-3 lồng nữa, sẽ cố gắng hết sức để phát triển kinh tế gia đình và có thêm nhiều người nữa biết đến đặc sản cá sông Sê San”.

Bà Nguyễn Mai Hương – Chủ tịch UBND xã Ia Khai, huyện Ia Grai cho biết: “Phát triển mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn xã Ia Khai cũng là một trong những hướng nhằm tạo ngành nghề mới trên địa bàn xã, đặc biệt là đối với đồng bào dtts. Chúng tôi đã ra mắt được mô hình Nông hội nuôi cá lồng. Qua quá trình triển khai với 05 hộ gia đình, với 11 thành viên trong Hội là phát triển mô hình có hiệu quả . Việc phát triển nuôi cá lồng trên địa bàn xã đã tận dụng được môi trường nước rất lớn của địa bàn, và từ đó cũng là tiềm năng lớn để liên kết để phát triển kinh tế và du lịch của xã sắp tới”.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có hơn 900 lồng bè, tập trung nhiều nhất tại thị xã An Khê và các huyện: Ia Grai, Chư Păh, Đak Đoa, Chư Prông, Kbang, Phú Thiện. Những loài cá đang được bà con nông dân nuôi nhiều gồm: Cá diêu hồng, rô phi, chép, trắm, cá lóc… Bên cạnh đó, nhiều nơi người dân thử nghiệm nuôi cá đặc sản như cá chốt, thát lát, cá lăng,…- loài cá nước ngọt đang có thị phần tiêu thụ lớn, có giá trị kinh tế cao.  Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh năm 2022 là trên 15.200 ha, với sản lượng ước đạt gần 8.500 tấn. Bên cạnh đó, những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động mời đơn vị có chuyên môn quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường để phân tích đánh giá mẫu nước tại các khu vực nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo an toàn, từ đó giúp người dân phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả, từ đó hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

Ông Phan Vĩnh Tấn – Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê cho biết: “Hiện nay hiệu quả nuôi cá lồng bè ở trên địa bàn rất là cao . Trong quá trình nuôi thì chúng tôi hướng dẫn người dân áp dụng phương pháp nuôi và thức ăn sinh học để đảm bảo ổn định cho sự phát triển mô hình này cũng như ổn định thu nhập cho người dân . Đối với những vùng thủy lợi, đây là một trong những mô hình chúng tôi rà soát để phát triển thêm đem lại thu nhập cho người dân”.

Gia Lai định hướng đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh là 16,3%/năm, chiếm gần 2% tỷ trọng trong ngành nông nghiệp. Đồng thời, dự kiến đến năm 2025 sẽ khai thác có hiệu quả 20.800 ha mặt nước, trong đó diện tích nuôi trồng khoảng 3.800 ha, còn lại là khai thác tự nhiên, với tổng sản lượng dự kiến là 16.360 tấn/năm. Bên cạnh định hướng phát triển nuôi cá lồng bè theo hướng sinh học bền vững nhằm bảo vệ môi trường, tỉnh Gia Lai còn đang hướng người dân phát triển các loại cá đặc sản đặc trưng của địa phương để nâng tầm cá bản địa thành hàng hóa giá trị cao, gắn với phát triển du lịch sinh thái, từ đó nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế hơn nữa cho người dân trên địa bàn./.

Trương Trang,  Minh Trung


Lượt xem: 9

Trả lời