Nông dân trẻ làm giàu nhờ trồng cam

Cập nhật 21/12/2018, 09:12:23

Hơn 5 năm nay, các mặt hàng nông sản như cao su, cà phê liên tục rớt giá; nhiều nông dân trên địa bàn huyện Đức Cơ đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng để phát triển kinh tế bền vững. Tại thị trấn Chư Ty, nông dân trẻ Hồ Viết Xô đã thành công nhờ mô hình trồng cam và quýt.

Đây là mô hình kinh tế trang trại gần 10 héc ta của gia đình hội viên nông dân Hồ Viết Xô ở Tổ 1, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ. Trang trại này mỗi năm cho gia đình anh thu nhập trên một tỷ đồng. Để có được thành quả, vợ chồng anh đã trải qua quãng thời gian lao động cật lực, cải tạo diện tích đất hoang hóa, bạc màu.
Anh Hồ Viết Xô, Tổ 1, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, Gia Lai tâm sự: “Lần đầu tiên đi vào đây làm kinh tế thì cũng là tuổi còn thanh niên, mới 19 tuổi là ở Đức Cơ rồi. Lên đây làm mô hình đầu tiên này rồi thì cũng có các ngành, hội nông dân, rồi bên chỗ mấy anh kỹ thuật hướng dẫn, rồi mình cũng rút ra những kinh nghiệm, học bạn bè, rồi phát triển vườn cũ gồm 4 héc”.
Rời quê hương Quảng Trị vào Đăk Lăk làm kinh tế mới rồi chuyển sang thị trấn Chư Ty và quyết định gắn bó với mảnh đất này. Với quyết tâm cao, anh Xô đã không quản ngại khó khăn cải tạo vườn tạp để xây dựng mô hình trang trại. Ban đầu anh trồng cà phê, hồ tiêu và một số cây ngắn ngày khác; nhưng từ khi cà phê và cao su xuống giá, anh đã quyết định trồng vườn cam quýt này.
Anh Hồ Viết Xô, Tổ 1, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, Gia Lai chia sẻ: “Mô hình mới đây thì mới thành lập được 5 năm nhưng mà khâu bệnh thì mình xử lý theo cách tự nhiên được nên vấn đề thuốc men ít sử dụng. Mô hình như cam quýt, tiêu, cây ăn quả; kể cả phần trái thì chắc chắn hoàn toàn đều sạch”.
Trang trại của nông dân trẻ Hồ Viết Xô hiện tại là mô hình kinh tế bền vững của gia đình và tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động ở địa phương. Năm 2017, anh Hồ Viết Xô được công nhận là một trong những hội viên nông dân sản xuất giỏi của thị trấn Chư Ty.
Ông Nguyễn Anh Hào – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, Gia Lai cho biết: “Với quy mô vườn như thế này thì về phần đất thì trăm phần trăm đất lẫn sỏi đá. Nếu như ban đầu vào khai hoang phục hóa thì rất là gian truân, nhưng với lòng quyết tâm làm giàu một cách chính đáng thì anh Xô đã vượt qua được khó khăn đó và để đến bây giờ có sản phẩm thu hoạch với thu nhập trừ chi phí trên dưới một tỷ đồng”
Nhờ chịu khó làm ăn, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng nên giờ đây không chỉ nông dân Hồ Viết Xô, mà nhiều hội viên nông dân trên địa bàn huyện Đức Cơ đã có cuộc sống khá giả. Mô hình kinh tế trang trại đa cây trồng của nhiều nông dân đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững ở địa phương./.
Minh Châu.


Lượt xem: 36

Trả lời