Nông dân Nguyễn Thị Huệ phát triển kinh tế gia đình từ mô hình kinh tế tổng hợp

Cập nhật 09/10/2020, 13:10:42

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình là hướng đi mà nhiều nông dân lựa chọn. Đặc biệt nhiều mô hình kinh tế hiệu quả từ đây cũng đã xuất hiện, mang lại nguồn thu nhập đáng kể giúp nhiều nông dân làm giàu một cách chính đáng. Tại huyện Kông Chro, cây mía đã từng một thời gian dài là cây trồng chủ lực của địa phương; tuy nhiên trước tình hình giá mía giảm trong vài năm trở lại đây, không ít nông dân đã mạnh dạn phát triển những mô hình kinh tế mới thật sự hiệu quả. Tiếp theo chương trình, mời quý vị và các bạn đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình nông dân Nguyễn Thị Huệ ở Thôn 10, xã Yang Trung, huyện Kông Chro.

Trên diện tích 03 ha này là gần 1.000 gốc cây ăn trái của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ ở Thôn 10, xã Yang Trung, huyện Kông Chro đã gầy công trồng và phát triển cho đến ngày hôm nay. Từ vùng đất sỏi đá, các loại cây ăn trái như nhãn, táo, na, mít, bơ… giờ đây đang mang lại cho gia đình nguồn thu nhập khá cao và bền vững khi giá cả cũng như đầu ra của sản phẩm cây ăn trái tương đối ổn định.

Chị  Huệ cho biết: “Nhà mình trước đây trồng cây ngắn ngày mà nó phụ thuộc vào thời tiết, mưa nắng vất vả lắm nên mình chuyển sang cây nhãn, cây dài ngày đến nay được 5 năm rồi và sau 3 năm thì thu hoạch và mình đã thu hoạch được 2 năm. Mình thấy nó phát triển và ổn định hơn cây ngắn ngày”.

Với suy nghĩ đa dạng hóa các loại sản phẩm cây trồng, vật nuôi để tạo sự ổn định cho phát triển kinh tế của gia đình khi không phải phụ thuộc vào một loại cây trồng duy nhất nào nhằm giảm thiệt hại về kinh tế nếu chẳng may thị trường không ổn định; do đó kết hợp với trồng cây ăn trái, gia đình chị Huệ phát triển thêm mô hình chăn nuôi với đàn gia súc, gia cầm cũng gần cả ngàn con và đa dạng về chủng loại như gà sao, gà ta, vịt và heo; sản phẩm vừa bán giống vừa bán thịt cũng tăng thêm cho gia đình một khoản thu nhập khá cao. Điều quan trọng là với hiệu quả kinh tế mang lại của mô hình kinh tế tổng hợp này từ nhiều năm nay đã giúp gia đình chị xác định được hướng phát triển phù hợp ở vùng đất này để ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu.

 “Chủ yếu là mình nuôi để đẻ lấy trứng bán giống cho bà con nuôi khu vưc quanh đây. Chăm sóc loại ngan, vịt đây thì nó cũng dễ; ở đây thời tiết nó phù hợp. Nói chung một năm với ngan, gà vịt đây thì mình được cỡ 300 triệu đồng”, chị Huệ cho biết thêm.

Vùng đất khó Kông Chro nay đang dần đổi thay, phát triển nhờ vào những con người mạnh dạn thay đổi suy nghĩ với những mô hình kinh tế có thể nói là hết sức hiệu quả như của gia đình nông dân Nguyễn Thị Huệ ở Thôn 10, xã Yang Trung. Hướng đi phù hợp, cách làm hiệu quả; những mô hình như thế này cần được nhân rộng và sẽ là cơ hội để người dân làm giàu trên vùng đất khó Kông Chro./.

Mỹ Tiến, R’Piên


Lượt xem: 52

Trả lời