Nông dân Làng A Mo – Niềm vui vụ mùa thắng lợi

Cập nhật 14/4/2021, 08:04:13

Việc chuyển đổi cây trồng nói chung, nhất là chuyển đổi cây trồng cho vùng đất bị hạn đã được nhiều địa phương quan tâm, nhưng vẫn gặp khá nhiều khó khăn khi chưa biết trồng cây gì, tiêu thụ như thế nào – Chư Sê từng là một huyện như vậy. Nhưng giờ đây, những người nông dân đã phần nào yên tâm hơn khi chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ được thiết lập, thu nhập được cải thiện đáng kể ngay trên đồng đất của mình.

  

Nhiều năm liền, ba sào ruộng lúa Đông Xuân của gia đình chị Rơ Lan Lok trên cánh đồng A Mo này liên tục bị thiệt hại do thiếu nước; nhưng năm nay, nhờ dự án Hỗ trợ chuyển đổi diện tích lúa thường xuyên bị hạn nặng sang trồng ngô sinh khối của huyện Chư Sê, toàn bộ 3 sào ngô sinh khối của chị được thu hoạch trọn vẹn. Một vụ Đông Xuân đáng nhớ, chẳng những giúp cho gia đình chị có nguồn thu nhập sau nhiều năm thất bại, mà còn giúp bà con làng A Mo thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong việc chuyển đổi cây trồng tránh hạn.

Chị Rơ Lan Lo,  Làng A Mo, xã Bờ Ngoong, huyện Chư sê cho biết: “Năm ngoái đâu có nước đâu, mùa này thì hạn hán. Mùa này thì hạn, trồng lúa chỉ để cho bò ăn thôi. Năm nay trồng bắp thì đỡ vất vả hơn là nhờ nhà nước giúp đỡ.  Trồng bắp ít công hơn, có lợi hơn, còn làm lúa mùa này không ăn được đâu; Như năm trước, 2019 – 2020 thì cho bò ăn thôi, đâu có thu hoạch được đâu”.

Cùng với gia đình chị Rơ Lan Lok, nhiều hộ nông dân khác trong làng cũng có niềm vui với một vụ mùa thắng lợi. Nếu trước đây, vụ Đông Xuân nào bà con nơi đây cũng đổ công, đổ sức ra làm, nhưng cứ đến ngày lúa làm đòng là thiếu nước, thu hoạch chẳng đáng là bao, thặm chí là mất trắng nhưng nông dân thì không thể nào bỏ ruộng, đành phải gắn bó với cây lúa và hi vọng vào nước trời. Nhưng nay mọi chuyện đã khác, cây trồng mới đã giúp người nông dân phát huy giá trị trên chính đồng đất khô hạn của mình.

Anh Puih Dêm – Làng A Mo, xã Bờ Ngoong, huyện Chư sê cũng nói: “Hạn hán nhiều năm liền, làm cây lúa năng suất thấp nên chuyển sang cây ngô.  Trước đây hạn hán, ví dụ một sào lúa làm nhưng không được thu, có người thu một bao hai bao, cao nhất là một tạ. Cây ngô này dễ dàng hơn cây khác.  Công thì không đáng bao nhiêu, phân thì ít, chỉ là ure, nước thì khoảng cách 2 tuần tưới một lần”.

Cái được trong mô hình chuyển đổi này là liên kết tiêu thụ sản phẩm được thực hiện khá chặt chẽ. Doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cũng có mặt tại cánh đồng từ khi xuống giống đến lúc thu hoạch để chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn từng công đoạn chăm sóc và quyết định thời điểm thu hoạch phù hợp. Vì thế, bà con cũng gặp nhiều thuận lợi khi lần đầu tiên trồng ngô để thu cây và lá chứ không thu trái như từng làm trước đây.

Ông Nguyễn Văn Hợp – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư sê, Gia Lai cho biết: “Dấu ấn của năm nay là triển khai mô hình trồng ngô sinh khối như bà con đang làm thì bước đầu đã đem lại hiệu quả rõ rệt, nhân dân rất mừng. Đặc biệt mô hình trồng ngô sinh khối là có liên kết với HTX trực tiếp thu mua, có nhu cầu cao nên đầu ra bà con cũng không lo lắng”

 Thay cho hình ảnh những ruộng lúa Đông Xuân bị thiếu nước, chết khô, thì nay, trên cánh đồng A mo là những diện tích ngô sinh khối đã cho thu hoạch giúp người nông dân có một mùa vụ trọn vẹn, nhưng cái thu hoạch lớn nhất là bà con đã thấy được hiệu quả của việc chuyển đổi cây trồng vùng thường xuyên bị hạn.

Minh Thanh, Kim Ngân, Minh Vũ

 


Lượt xem: 115

Trả lời