Nỗi niềm sinh viên Sư phạm sau khi ra trường

Cập nhật 24/8/2017, 07:08:33

Theo thống kê từ năm 2013 đến nay, cả nước đã có 25.000 sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm. Khủng hoảng thừa nhân lực ngành Sư phạm đã khiến cho nhiều tân cử nhân phải tìm công việc khác, từ bỏ ước mơ đứng trên bục giảng, gây nhiều lãng phí cho cả người học và xã hội. Phóng sự sau sẽ phản ánh nỗi niềm của những tân cử nhân Sư phạm hiện nay.

Tốt nghiệp loại Giỏi ngành Sư phạm Lý tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai được 1 năm nhưng đến nay, Phan Duy Cường và Nguyễn Thị Ngọc Tiền chưa thể thực hiện được ước mơ đứng trên bục giảng để truyền đạt kiến thức cho học sinh… Tuy vậy, đối với Phan Duy Cường và Nguyễn Thị Ngọc Tiền dù sao cũng may mắn hơn những bạn khác vì có được công việc gia sư khá ổn định. Bởi nhiều bạn cùng khóa ra trường hiện đang làm nhiều việc trái ngành, trái nghề như: Nhân viên bán hàng, nhân viên phục vụ, phụ giúp kinh tế gia đình… để có thu nhập trang trải cuộc sống, sinh hoạt.

Em Phan Duy Cường-Cựu Sinh viên, Khóa K34, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai cho biết: “ Khóa em ra 500, khoảng 200 bạn làm đúng ngành. Em thấy vui nhất là vẫn được đi dạy, thu nhập lại cao nên cuộc sống cũng đảm bảo. Em nghĩ công việc nào cũng cần tay nghề, giáo viên cũng vậy, ngoài năng lực sư phạm thì cần năng lực chuyên môn. Em nghĩ ra trường có việc hay không là do người đó. Trong quá trình học mình ráng đầu tư kiến thức, năng lực chuyên môn nhiều hơn, sau này ra trường mình có nhiều cơ hội việc làm hơn”.

Em Nguyễn Thị Ngọc Tiền-Cựu Sinh viên, khóa K34, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai cũng cho biết: “Em không nộp hồ sơ ở đâu hết. Do ngành Lý của em cũng không có chỉ tiêu đâu. Lớp em có 34 người ra trường nhưng mỗi huyện chỉ lấy 1 người, có huyện không có chỉ tiêu Lý. Ngành bọn em ra trường đa số thất nghiệp. Lớp em ra trường chỉ có 2-3 người đi dạy hợp đồng, còn lại làm trái ngành hết”.

Khi giáo viên sư phạm đang trong thời kỳ khủng hoảng thừa thì nhiều tân cử nhân sư phạm cũng khó tìm kiếm được việc làm như mong muốn. Với hầu hết sinh viên từng theo đuổi ước mơ được làm thầy cô giáo thì vẫn luôn khao khát được giảng dạy trong môi trường sư phạm chuyên nghiệp.

Em Hà Thị Huế-Cựu sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai chia sẻ: “18 năm ba mẹ nuôi ăn học. Giờ học sinh tựu trường, em không biết mình có được hợp đồng hay không, em cũng rất lo lắng. Bây giờ mình làm gia sư cũng tạm thời thôi. Nếu không được hợp đồng thì em tìm một công việc khác ổn định hơn”.

Được biết, từ năm 2018, Bộ GD&ĐT sẽ siết chặt lại đào tạo sư phạm, những ngành thừa giáo viên không tuyển sinh, ngành thiếu mới đào tạo. 5 năm đến, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung đào tạo lại giáo viên. Có thể thấy rằng, nếu không thống kê chính xác nhu cầu tuyển dụng thì công tác đào tạo ngành sư phạm như lâu nay sẽ gây lãng phí nguồn lực, tiền của rất lớn. Và để giải bài toán cung-cầu trong đào tạo ngành sư phạm không thể giải quyết trong một sớm một chiều, đòi hỏi sự quyết tâm và giải pháp phù hợp, đúng đắn của Bộ GD&ĐT, cũng như các địa phương./.

Thiên Thanh-Kim Châu- Huy Toàn

 


Lượt xem: 479

Trả lời