Nơi chắp cánh ước mơ cho trẻ khuyết tật

Cập nhật 02/6/2023, 07:06:30

Hơn 10 năm qua, Trung tâm hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật An Yên – Thôn 5, xã Trà Đa, TP.Pleiku đã trở thành ngôi nhà chung để trẻ em khuyết tật, chậm phát triển được học tập, trải nghiệm và vui chơi. Từ đó giúp các em có nhiều kĩ năng sống, tự tin và hòa nhập với cộng đồng. Đây cũng là nội dung được truyền tải trong Mục “ Việc tốt quanh ta” hôm nay, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi.

Không giống như những lớp học bình thường khác, tại lớp học dành cho trẻ khiếm thính và trẻ chậm phát triển ở Trung tâm hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật An Yên- Thôn 5, xã Trà Đa- TP.Pleiku  những bài học luôn được thầy cô giáo truyền dạy bằng ký hiệu đôi bàn tay kết hợp với khẩu hình miệng. Đồng thời, giáo viên còn sử dụng tranh ảnh và đồ dùng trực quan để truyền đạt kiến thức cho các em.

Do khả năng tiếp thu của các em còn hạn chế nên giáo viên luôn kiên trì, nhẫn nại, hướng dẫn tỉ mỉ giúp các em tiếp thu bài học một cách tốt nhất.

Cô giáo Nguyễn Thị Bút – Giáo viên mỹ thuật – Trung tâm hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật An Yên, TP.Pleiku nói “Đối với những đứa trẻ bình thường thì khả năng hòa nhập của các em rất dễ còn đối với những trẻ đặc biệt này thì khả năng hòa nhập của các em sẽ chậm hơn rất nhiều và cơ hội cũng rất là ít. Trong quá trình dạy thì mình cũng thấy là khó khăn hơn đối với trẻ bình thường, cho nên là mình cũng mong muốn là sau khi học thì các em sẽ có được một kiến thức thức và kĩ năng có thể nuôi sống mình và gia đình trong tương lai”

Em Phan Minh Hà Vi – Lớp học khiếm thính – Trung tâm hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật An Yên, TP.Pleiku chia sẻ “Em thấy học ở đây rất là vui vẻ, có nhiều bạn giống như em. Và em cũng được học từ cô giáo câm điếc giống như em, cô thấy hiểu em hơn, và em cũng mong muốn sau này lớn lên em cũng được làm cô giáo giống như là cô.”

Song song với học văn hoá, các em còn được tư vấn, định hướng nghề nghiệp và học các môn năng khiếu phù hợp với đặc điểm tâm lý và sức khỏe như: học may, học vẽ, massage, yoga….Đặc biệt bằng sự khéo léo, các em đã tạo ra nhiều sản phẩm tranh khắc gỗ về cuộc sống sinh hoạt, về dịch bệnh Covid -19, …Những tác phẩm này đã tham gia dự thi và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đồng thời, các em còn làm ra những sản phẩm thủ công có giá trị thẩm mỹ cao như: móc khóa, cài tóc, túi xách, thảm chân, mỗi sản phẩm được bán với giá từ 5 đến 40 nghìn đồng. Từ đó đã góp phần tạo động lực, giúp các em tự tin, được sống với đam mê và có một nghề nghiệp ổn định để nuôi sống bản thân và gia đình.

Cô Trần Diễm Trinh – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật An Yên, TP.Pleiku. cho biết “Ngoài việc học văn hoá ra thì Trung tâm cũng hết sức chú trọng việc đào tạo nghề để các bạn có thể làm ra những sản phẩm handmade, ban đầu là trải nghiệm còn sau này là các bạn có thể kiếm thêm nguồn thu nhập cho cá nhân. Và để làm được những việc đó thì mình phải đi tìm kiếm và chiêu mộ những giáo viên có tâm huyết với các cháu đến dạy.”

Những năm qua được sự quan tâm, chăm lo của chính quyền địa phương, sự đồng hành của các nhà hảo tâm và phụ huynh học sinh, vào các dịp lễ tết, Trung tâm thường tổ chức cho các em tham quan, trải nghiệm tại các khu vui chơi, bảo tàng, thư viện; tặng quà, động viên, chia sẻ giúp các em vượt qua những khó khăn về tinh thần để tiếp tục cố gắng vươn lên thực hiện ước mơ của mình. Đồng thời, điều kiện cơ sở vật chất tại Trung tâm ngày càng được đầu tư khang trang, hằng năm đội ngũ giáo viên luôn được tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp nhận những kiến thức, kỹ năng mềm mới, phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học tại trung tâm.

Ông Lê Ngọc Tường – Phó chủ tịch UBND xã Trà Đa, thành phố Pleiku trao đổi “Công ty TNHH Kim Yến Cao Nguyên có mở một trung tâm đào tạo, giáo dục và nuôi dạy trẻ em khuyết tật ở thôn 5, xã Trà Đa, lấy tên là trung tâm An Yên. Trung tâm này thường xuyên có 20 em bị khuyết tật như câm, điếc, tự kỷ. Qua quá trình hoạt động của công ty thì xã cũng phối hợp tổ chức kiểm tra nhiều lần và đầy đủ các hồ sơ pháp lý, thứ hai nữa là đội ngũ giáo viên là được đào tạo cơ bản tại các trường chuyên biệt. Thì những dịp lễ tết UBND cũng thường xuyên thành lập đoàn xuống thăm động viên các em các cháu.”

Với những hoạt động thiết thực, hiệu quả dành cho trẻ khuyết tật trong thời gian qua, Trung tâm hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật An Yên, xã Trà Đa không chỉ là nơi cưu mang dạy dỗ các em về văn hoá mà còn là nơi chắp cánh ước mơ cho nhiều thế hệ học trò. Dù các em có số phận kém may mắn, thiệt thòi nhưng dưới mái nhà An Yên, các em được học những kiến thức, kỹ năng cần thiết mỗi ngày, qua đó dần hoàn thiện bản thân trong cuộc sống, sinh hoạt như những bạn bè cùng trang lứa và có thể tự lập trên đường đời./.

Hồng Nguyệt – Bá Bính


Lượt xem: 16

Trả lời