Những nhà giáo truyền cảm hứng cho học trò

Cập nhật 19/11/2020, 08:11:20

Ở bất cứ ngành nghề nào, khi đã chọn, yêu nghề, nghề sẽ không bao giờ phụ lại niềm tin và tình yêu của mình. Với nghề sư phạm, các thầy cô giáo lại càng tự hào vì nghề tạo ra nghề, tạo ra những thế hệ kế cận. Bởi thế, hành trang mang theo của những nhà giáo không chỉ là lòng nhiệt huyết, tình yêu nghề mà còn là sự mẫu mực, là niềm tin và truyền cảm hứng cho học trò.

Ra trường từ năm 2003, thầy giáo Nguyễn Văn Thăng, Trường THCS Lê Quý Đôn, huyện Krông Pa đã 2 lần chuyển công tác. Nhưng lần nào thầy cũng có duyên với các em học sinh ở những vùng khó khăn nhất. Hiểu được hoàn cảnh của từng học sinh ở đây nên ngoài vận dụng linh hoạt các biện pháp trong công tác giảng dạy thì điều quan trọng nhất đối với thầy Thăng đó là bản thân mình phải là người khơi dậy được niềm đam mê học tập của các em.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thăng, Trường THCS Lê Quý Đôn, huyện Krông Pa cho biết: “Dạy học là một nghệ thuật thì bồi dưỡng học sinh giỏi đó là một nghệ thuật đặc biệt, bởi vì nếu như chúng ta không khơi dậy được ở học sinh niềm đam mê, khơi dậy tâm hồn của các em hứng thú yêu thích thì chắc chắn rằng ta rất khó thành công”.

Là một giáo viên dạy môn Ngữ Văn, năm học nào tập thể giáo viên, Ban giám hiệu Trường THCS Lê Quý Đôn, huyện Krông Pa cũng tin tưởng phân công cho thầy Thăng bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ Văn để tham gia thi học sinh giỏi do cấp huyện, cấp tỉnh tổ chức.

Thầy giáo Bùi Đức Thiện, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, huyện Krông Pa nhận xét: “Thầy Thăng là một giáo viên có năng lực chuyên môn cao được nhà trường và cán bộ giáo viên tín nhiệm. Hàng năm nhà trường phân công thầy Nguyễn Văn Thăng giảng dạy môn Ngữ Văn và bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ Văn.

Kết quả đã đạt được rất cao, trong những năm qua thầy Thăng bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ Văn đều đạt giải học sinh giỏi cấp huyện và đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt trong 2 năm  gần đây bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh các em đều đạt giải Nhì và giải Ba môn Ngữ Văn cấp tỉnh”.

Ở mỗi lứa tuổi, mỗi cấp học giáo viên sẽ tạo ra nguồn cảm hứng khác nhau để cốt làm sao đối tượng trung tâm là học sinh có thể lĩnh hội được hết kiến thức  mà thầy, cô  truyền dạy. Nếu như ở bậc học mầm non, các cô không chỉ là giáo viên, là bảo mẫu mà còn là ca sĩ, hoạ sĩ… thậm chí là tạp vụ để chăm sóc học sinh từ sáng sớm cho đến chập choạng tối thì với những cô giáo cấp Tiểu học đòi hỏi các cô không chỉ dạy kiến thức mà còn phải tạo được niềm vui cho các em khi đến trường. Nhưng dù dạy ở cấp học nào thì lửa nghề và niềm tin yêu nghề luôn hun đúc để các thầy, cô giáo hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cô Phạm Thị Luyến, Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, huyện Chư Sê cho biết: “Bản thân người thầy, người cô mỗi giờ lên lớp phải luôn tạo được hứng thú cho học sinh, tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp như là múa hát tập thể, tổ chức các trò chơi, tạo được môi trường học tập thân thiện, tạo cho các em tâm thế mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Hầu hết những giáo viên đang công tác ở vùng khó nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung đều đang công hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục. Họ quan niệm nghề lái đò không chỉ dừng lại ở việc dạy đủ kiến thức ở các môn học mà bản thân mỗi giáo viên phải khơi dậy niềm đam mê và truyền cảm hứng cho học trò trong quá trình học tập. Sự hứng khởi ấy không phải là một điều gì đó quá xa vời mà tỏa ra một cách tự nhiên từ niềm đam mê nghề nghiệp, ý thức và tinh thần trách nhiệm với mỗi bài giảng./.

Lệ Xuân,  Minh Trung


Lượt xem: 74

Trả lời