Nhu cầu tái canh cà phê của người dân

Cập nhật 03/4/2018, 16:04:12

Gia Lai được xem là một trong số vựa cà phê lớn của Tây Nguyên, với diện tích hơn 93 ngàn ha. Đây được xem là cây trồng chủ lực giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Nhưng phần lớn diện tích cà phê ở đây đang trong giai đoạn già cỗi, kém năng suất, chất lượng, đòi hỏi phải có sự tái canh để phát triển bền vững. Nhằm khuyến khích điều này, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị, triển khai nhiều chương trình, chính sách nhằm hỗ trợ người dân có thêm điều kiện để thực hiện tái canh vườn cây. Ghi nhận tại huyện Chư Sê.

Hơn 1ha cà phê này là của gia đình chị Phùng Thị Thẻ ở thôn Kana Nhân, xã Al Bă, huyện Chư Sê. Cà phê được trồng từ năm 1999 nên đã già cỗi, năng suất thấp, chất lượng kém. Nay gia đình quyết định phá đi để trồng mới nhưng hiện tại đang gặp khó khăn về nguồn vốn.

Chị Phùng Thị Thẻ, xã Al Bă, huyện Chư Sê nói: “Cà trồng từ năm 1999, giờ nó cũng cằn cỗi rồi. Gia đình cũng muốn nhà nước hỗ trợ kênh vốn để thay đổi vườn cà giống mới cho có năng suất”.

Nguồn vốn, cây giống – đó là vấn đề được hầu hết người dân quan tâm khi tham gia vào chương trình tái canh cà phê. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn giống cây trồng khó kiểm định, người trồng cà phê mong muốn được các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ nguồn giống có chất lượng để yên tâm đưa vào canh tác.

Anh Vũ Văn Hào, xã Al Bă, huyện Chư Sê cũng cho biết:  “Tôi cũng đến thôn đăng ký. Thôn có thông báo ra đến xã, huyện, phòng nông nghiệp có về khảo sát diện tích 1,6ha tôi đã phá đăng ký trồng mới.  Tôi cũng mong muốn nếu như được tái canh cà phê thì nhờ phòng nông nghiệp hỗ trợ cho giống vốn để mình trồng được giống chính xác, giống chuẩn, mới”.

Anh Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch UBND xã Al Bă, huyện Chư Sê cho biết:  “Dựa trên dự án và chủ trương của huyện có chương trình trồng tái canh cà phê thay thế cà phê già cỗi. Ban đầu xã cũng có hơn 100 hộ đăng ký tham gia. Qua rà soát của phòng NN thì hiện tại có hơn 20 hộ đủ điều kiện với diện tích đăng ký khoảng trên 60ha”.

Được biết, trong năm 2017, huyện Chư Sê tiến hành tái canh được 470ha, đạt 150% kế hoạch tỉnh giao. Tham gia chương trình tái canh, người dân được Công ty cà phê Nestle Việt Nam hỗ trợ 50% chi phí cây giống. Nguồn giống được nhập từ Viện EaKmat Tây Nguyên đảm bảo chất lượng. Hiện tại, cây trồng đang sinh trưởng và phát triển tốt. Trên cơ sở kết quả năm 2017, Phòng NN & PTNT huyện tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu tái canh cà phê của người dân.

Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng Phòng NN & PTNT huyện Chư Sê cho biết: “Trong năm 2018, nguồn cây giống cũng tiếp tục thực hiện 2 kênh, thứ nhất là tiếp tục thực hiện kênh của Nestle hỗ trợ 50% giá trị cây giống. Bên cạnh đó, huyện đang rà soát, tổng hợp diện tích, nhu cầu tái canh của bà con để ký kết hợp đồng với các đơn vị sản xuất cấp không cây giống cho bà con”.

Trong thực tế cũng đã có một số doanh nghiệp tái canh cà phê thành công. Tuy nhiên, để mỗi hộ gia đình tham gia tái canh cần phải có thời gian tuyên truyền, vận động, giải thích để họ chủ động tham gia. Đồng thời, ngành chuyên môn cũng cần phải có kế hoạch, quy trình cụ thể nhằm hỗ trợ người dân thêm kỹ thuật trồng tái canh cà phê có hiệu quả./.

Bích Thủy, Huy Toàn


Lượt xem: 68

Trả lời