Nhiều ý kiến, kiến nghị được người dân Gia Lai gửi đến Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XI

Cập nhật 11/7/2018, 14:07:43

Sáng nay 11.7, các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XI tiếp tục chương trình làm việc với các phiên thảo luận tại tổ và bên lề kỳ họp, nhiều cử tri trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều ý kiến, kiến nghị sát với thực tế cuộc sống gửi tới kỳ họp.

 Vấn đề bức xúc được cử tri thành phố Pleiku đề cập, đó là thời gian qua tại địa phương có nhiều doanh nghiệp, cá nhân thu gom đất, sau đó phân lô tách thửa trên đất nông nghiệp để bán kiếm lời. Qua kiểm tra của ngành chức năng, có trên 1.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái quy hoạch, xây dựng đô thị; chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật; ban hành hàng loạt quyết định thu hồi đất để lại hậu quả nặng nề, làm phá vỡ quy hoạch đô thị Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo ông Vũ Định, cử tri phường Diên Hồng, thành phố Pleiku cho biết: Sở dĩ xảy ra tình trạng này có một phần nguyên nhân buông lỏng quản lý của các ngành chức năng, từ đó làm cho công tác quản lý đất đai khó được quản lý chặt chẽ.

 “Đề nghị với HĐND phải có sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát như thế nào để phát huy hết chức năng, nhiệm vụ của mình. Theo ý kiến cử tri chúng tôi thì phải kiên quyết, xử lý dứt điểm, phạm vi ai sai đến đâu thì xử lý đến đó, nhất là cán bộ đảng viên phụ trách mảng này. Đề nghị HĐND phải có nghị quyết riêng về quản lý đất đai, không những ở thành phố Pleiku mà tình trạng này còn xảy ra ở nhiều nơi vì hễ có dự án, hễ có thông tin thôi là đã xảy ra tình trạng này rồi”, ông Định đề nghị.

Một vấn đề khác được cử tri tại thành phố Pleiku quan tâm, đó là hiện nay tại địa phương đang  triển khai việc sáp nhập thôn, làng, tổ dân phố. Để chủ trương lan tỏa, đi vào thực tiễn cuộc sống, cử tri đề nghị sau khi sáp nhập, thành phố Pleiku quan tâm để ổn định đời sống cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Hào – TDP 12, phường Tây Sơn, thành phố Pleiku cho biết: “Qua đề án sáp nhập tổ dân phố thì cử tri ở đây nhất trí 100%. Cũng mong rằng sau khi sáp nhập, địa phương cần triển khai các giải pháp để ổn định đời sống cho nhân dân. Trước mắt nhân dân có 2 ý kiến, một là nơi sinh hoạt của nhân dân bởi vì sau khi sáp nhập thì nhà sinh hoạt không đủ để người dân 2 tổ sinh hoạt. Thứ 2 là về công tác hành chính sau này thuận lợi để ký các giấy tờ liên quan cho người dân, cả về học hành của con cháu sau này”.

Cử tri nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh quan ngại, thời gian qua, giá mía xuống thấp nên một số người dân đã phá bỏ diện tích, mơ hồ chuyển qua các loại cây trồng khác, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cử tri đề nghị, để phát triển ổn định vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh Gia Lai, các nhà máy cần linh hoạt triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là làm tốt vấn đề bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.

Ông Lương Tiến Trình – Xã Đông, huyện Kbang nói: “Dân mình thì không biết làm cây gì và theo tôi thì không thể bỏ cây mía vì vùng đất này là vùng đất trồng mía, vùng nguyên liệu mía nên đã làm cây mía thì phải có đầu tư và bao tiêu sản phẩm mà Nhà nước phải đứng ra giúp dân trong vấn đề hợp đồng với nhà máy để khi đến vụ thì cây mía không bị mất giá và người trồng phải có lợi nhuận từ cây mía”.

Nhóm PVTS


Lượt xem: 41

Trả lời