Nhiều vấn đề quan trọng trên lĩnh vực được các đại biểu thảo luận

Cập nhật 10/12/2019, 18:12:41

Như chúng tôi đã thông tin, hôm nay Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI, nhiệm kỳ 2016-2021 bước sang Ngày làm việc thứ 2 với phiên thảo luận tại tổ và thảo luận chung tại hội trường xung quanh các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân, TAND, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh và 21 dự thảo Nghị quyết được trình tại kỳ họp. Các đồng chí: Dương Văn Trang – Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Phan Chung – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Ayun H’Bút – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên thảo luận.

Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao những kết quả trên lĩnh vực kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng mà tỉnh đã nỗ lực thực hiện trong năm 2019 và thống nhất với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp mà UBND tỉnh đã đặt ra trong năm 2020 – Năm cuối để thực hiện và hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung phân tích những bất cập, khó khăn và đề xuất nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, giải pháp để năm 2020, tỉnh Gia Lai đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) từ 8,2% trở lên; tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 30.000 tỉ đồng trở lên, thu ngân sách đạt trên 5.200 tỉ đồng. Đối với những bất cập trong việc thực hiện mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh, các đại biểu đề xuất cần giải quyết kịp thời vấn đề này.

Ông Nguyễn Dũng – Giám đốc Sở Tài chính Gia Lai nêu: “Mua sắm tập trung là chủ trương mới nhưng thực tế triển khai có những bất cập, như: Chậm, không đúng như yêu cầu của đơn vị, thậm chí giá đắt… Sở Tài chính đã làm việc với Bộ Tài chính, mua những gói thầu lớn, nên để lại cho các địa phương, đơn vị tự mua sắm gắn với tự chủ; việc mua sắm những thiết bị chuyên dùng thì nên phân cấp chứ không nên tập trung vào Ban Quản lý các dự án đầu tư Dân dụng và Công nghiệp”.

Liên quan đến các giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh và Chỉ số CCHC của tỉnh trong những năm tiếp theo, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết: Bên cạnh chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; hiện đại hóa nền hành chính công; rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp thì việc nâng cao tinh thần trách nhiệm làm việc cũng như đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức cũng sẽ được chú trọng nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

 Ông Huỳnh Văn Tâm – Giám đốc Sở Nội vụ Gia Lai cho biết: “Năm 2020, chúng tôi đề xuất 9 nội dung lớn để các địa phương tổ chức thực hiện.  Trong đó, tăng cường công tác kiểm tra ở lĩnh vực CCHC, tạo thể chế pháp lý tốt dễ áp dụng thực tế, qua đó thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp”.

Đề cập đến vấn đề cải cách hành chính của tỉnh, đồng chí Dương Văn Trang – Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Đây là vấn đề hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội mà tỉnh cần phải nỗ lực thực hiện để trong thời gian tới không còn đứng ở vị trí cuối về cải cách hành chính so với các tỉnh, thành, đồng thời phải giữ vững và không ngừng vươn lên về Chỉ số CCHC. Chủ tọa kỳ họp nhấn mạnh: Trong cải cách hành chính cần phải làm theo hướng nhanh, gọn, đúng và hiệu quả, tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp.

 Để giải quyết những vướng mắc trong phân cấp cho cấp xã làm chủ đầu tư các công trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia có nguồn vốn dưới 15 tỉ đồng, qua đó khắc phục những bất cập trong xây dựng cơ bản, các đại biểu đề xuất nhiều vấn đề.

 Ông Trần Cao Nguyên – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kông Chro, Gia Lai phát biểu: “Tôi thấy nên đề xuất Chính phủ sửa đổi bổ sung 120 thay thế cho Nghị định 161 của Chính phủ cho phù hợp, vì không xã nào làm nổi, quy định tận dụng vật liệu của địa phương thì hướng dẫn cũng chưa rõ, ngoài ra quy định tổ, đội thực hiện công trình…. Tôi thấy không thực tế. Nếu không quản lý tốt thì bất cập này sẽ làm thất thoát thu ngân sách”.

Lĩnh vực trật tự xã hội và an toàn giao thông cũng nhận được nhiều ý kiến quan tâm của các đại biểu. Nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại trong năm 2019, mặc dù phạm pháp hình sự trên địa bàn tỉnh giảm nhưng tính chất, hậu quả một số vụ xảy ra nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Đáng chú ý là tội phạm đánh bạc có tổ chức, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”; tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do mâu thuẫn cá nhân, bột phát trong sinh hoạt hàng ngày; tội phạm xâm hại trẻ em; nạn tự tử, nhất là trong vùng DTTS, cũng như tình hình tai nạn giao thông trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Riêng về tội phạm ma túy trong năm qua, toàn tỉnh đã phát hiện 209 vụ, tăng 45 vụ so với cùng kỳ. Qua đây, đặt ra nhiều vấn đề trong công tác đấu tranh, xử lý đối với loại tội phạm này.

Ông Nguyễn Đình Quang – Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai ý kiến về vấn đề này: “Các cơ quan chức năng đẩy mạnh truy quét song số lượng ngày càng nhiều hơn, số người nghiện, số người liên quan đến ma túy ngày càng tăng. Với biện pháp hiện nay thì các cơ quan chúng tôi: Tòa án, Viện kiểm sát, Công an thì đang đề nghị Quốc hội xem lại việc chúng ta bỏ tội sử dụng ma túy. Trước kia chúng ta đưa tội, tổ chức sử dụng và sử dụng ma túy vào xử lý hình sự để nghiêm trị các đối tượng này song từ khi chúng ta theo ý kiến của Liên hợp quốc đưa ra tệ nạn xã hội thì tình hình sử dụng ma túy càng ngày càng tăng”.

Các đại biểu cũng phân tích, thảo luận các giải pháp nhằm khai thác hợp lý và biến các tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh để ngành công nghiệp không khói này có bước phát triển bền vững trong thời gian tới; giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản; giảm nghèo bền vững trong đồng bào DTTS; hạn chế tình hình tội phạm và tai, tệ nạn xã hội trong lứa tuổi thiếu niên… Để có thể giải quyết một cách căn cơ và hiệu quả các vấn đề trên, các đại biểu đề nghị cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phát huy vai trò của từng đại biểu dân cử.

Đồng chí Dương Văn Trang – Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai đề nghị: “Tôi đề nghị các đại biểu HĐND  cần phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu dân cử, làm hết tinh thần trách nhiệm được cử tri gửi gắm, mong đợi để cùng thực hiện. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng và các tổ chức đoàn thể cùng cần cộng đồng trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ theo chức trách được giao”.

Đối với 21 dự thảo Nghị quyết được Thường trực HĐND và UBND tỉnh trình tại kỳ họp, các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng để cấp có thẩm quyền có thêm cơ sở pháp lý ban hành Nghị quyết.

Ngày 11/12 – Ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI, nhiệm kỳ 2016-2021. Theo chương trình làm việc, các đại biểu sẽ tiếp tục thảo luận, thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn, đồng thời xem xét, biểu quyết thông qua các nghị quyết. Đài PT-TH Gia Lai sẽ tường thuật trực tiếp phiên làm việc này.

Thiên Thanh – Đức Hải – Thanh Sáng – R’Piên


Lượt xem: 25

Trả lời