Nhiều kết quả trong công tác trồng rừng sau 5 năm thực hiện Chương trình số 38

Cập nhật 24/12/2022, 14:12:58

Triển khai Chương trình số 38 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong giai đoạn 2017 – 2021, tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đây là cơ sở để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy Gia Lai về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030.

Trên cơ sở Chương trình số 38 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch 1123 của UBND tỉnh về vận động thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để trồng rừng hoặc chuyển sang mục đích lâm nghiệp, giai đoạn 2017 – 2021, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động khoảng 18.000 hộ dân kê khai gần 30.000 ha đất rừng đã lấn chiếm để trồng rừng; đồng thời, UBND tỉnh đã xuất ngân sách hơn 65 tỷ đồng để hỗ trợ người dân tham gia trồng rừng theo Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Huỳnh Văn Hơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ cho biết: “Trong giai đoạn 2017 – 2021 thì huyện Đak Pơ luôn hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu trồng rừng tỉnh giao với hơn 600 ha. Để đạt được kết quả này là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động là phải phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là phải làm gương và đi đầu trong việc trồng rừng”.

Trong giai đoạn 2017 – 2021, toàn tỉnh Gia Lai trồng được gần 31.000 ha rừng. Để đạt được kết quả trên, cùng với nguồn vốn hỗ trợ theo Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ, các ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng đã vận dụng linh hoạt nhiều chính sách để hỗ trợ, thu hút người dân và doanh nghiệp tham gia trồng rừng, nhất là bà con người dân tộc thiểu số.

Ông Từ Tấn Lộc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kông Chro cho biết: “Công ty phối hợp với các cấp từ huyện đến xã vận động người dân tham gia trồng rừng với công ty trên những diện tích đất trống, đất lâm nghiệp để phủ xanh những diện tích chưa có rừng và tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng, ven rừng. Từ đó để người dân nâng cao ý thức hơn cùng với công ty và chính quyền địa phương tham gia quản lý tốt những diện tích rừng tự nhiên”.

Ông Đinh Hương, Làng Mèo, xã Đak Pling, huyện Kông Chro nói: “Trước đây năm 2015 tôi đã trồng 2 ha và tới năm 2020 thì tham gia trồng thêm 22,6 ha. Từ đó thì chúng tôi vừa trồng rừng, vừa quản lý, bảo vệ rừng và chăn nuôi thêm bò dưới cây rừng để phát triển kinh tế”.

Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay trong công tác trồng rừng ở tỉnh Gia Lai là việc thay đổi chính sách hỗ trợ trồng rừng từ 7,5 triệu đồng xuống còn 2,5 triệu đồng/1 chu kỳ/ha nên rất khó thu hút người dân trồng rừng. Cùng với đó, việc chi trả được thực hiện sau khi nghiệm thu thành rừng nên khó thu hút người dân tham gia. Do đó, hiện nay, ngành chuyên môn cũng đang kiến nghị thay đổi các chính sách hỗ trợ để thu hút người dân tham gia trồng rừng.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết: “Cái cốt lõi ở đây là cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng rừng; nếu chúng ta chỉ hỗ trợ 2,5 triệu đồng/ha/chu kỳ thì không khuyến khích người dân tham gia trồng rừng; cái thứ hai nữa là việc trồng rừng được triển khai theo dự án đầu tư công phải thực hiện theo các quy định, quy trình. Do đó, chúng tôi kiến nghị thay đổi có mức hỗ trợ hợp lý và chuyển dự án trồng rừng không theo đầu tư công”.

Thống kê đến cuối năm 2021, tổng diện tích rừng hiện trạng trên địa bàn tỉnh là gần 647.000 ha, chiếm 85,5% tổng diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp; tỷ lệ che phủ (kể cả cây cao su, cây trồng thân gỗ khác) là 47%, tăng 6,8% so với năm 2017. Cùng với đẩy mạnh công tác trồng rừng thì các địa phương cũng đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm gỗ rừng trồng; đồng thời, đẩy mạnh phát triển cây dược liệu dưới tán rừng để góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân, nhất là vùng dân tộc thiểu số sống gần rừng. Qua đó, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy Gia Lai về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030./.

 Đức Hải –  R’Piên – Thanh Sáng


Lượt xem: 5

Trả lời