Nguy cơ mai một nghề đan lát ở xã Ia Dơk

Cập nhật 15/1/2018, 09:01:31

Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, đời sống của người đồng bào DTTS đã khác trước, nhiều người đã có xe đạp xe máy, nhưng chiếc gùi vẫn đang là phương tiện vận chuyển khó có thể thay thế của họ. Nghề đan lát, trong đó có sản phẩm là những chiếc gùi không chỉ tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động, mà nó còn góp phần bảo tồn những nét đẹp truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay nghề đan lát ở một số địa phương của tỉnh Gia Lai đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Phóng sự sau được thực hiện ở xã Ia Dơk, huyện Đak Đoa.

Những ngày đầu năm mới 2018, chúng tôi có dịp ghé thăm làng Dỡk, xã Ia Dơk, huyện Đak Đoa. Theo tìm hiểu thì nghề đan lát ở đây đã có từ lâu, tuy nhiên hiện nay những người trẻ tuổi biết đan một thành thạo rất ít, mà chủ yếu những người già là còn gắn bó với nghề.

Ông Jơh, Làng  Dỡk, xã Ia Dơk, huyện Đak Đoa cho biết: “Mình biết đan gùi từ hồi nhỏ, giờ già rồi vẫn đan. Một cây tre mua 50 ngàn đồng, đan được 2 chiếc gùi bán mỗi cái cũng được gần 200 ngàn đồng. Nhưng mấy đứa con nó không muốn học, nó có sức khỏe nên đi làm nghề khác”.

Cũng như ông Jơh, ông Ngim trong làng năm nay đã tròn 80 tuổi nhưng đôi tay ông vẫn nhanh nhẹn, khéo léo để đan những chiếc gùi với nhiều kích cỡ khác nhau và được trang trí bằng hoa văn khá bắt mắt. Vì lẽ đó, mà những chiếc gùi do chính tay ông làm được nhiều người tìm đến mua. Mỗi tháng ông Ngim đan 10 chiếc gùi theo đơn đặt hàng, tùy theo sức khỏe, nhanh nhất chỉ 2 ngày hoàn thành một sản phẩm và chậm nhất là 5 ngày. Tùy theo kích cỡ lớn nhỏ mà ông có thể bán được với giá từ 250 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng/chiếc. Nghề đan lát không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình mà cái chính là giúp ông thỏa mãn lòng đam mê, duy trì và lưu giữ được nghề truyền thống của dân tộc mình.

Ông Ngim, Làng  Dỡk, xã Ia Dơk, huyện Đak Đoa cho biết: “Giờ mình già rồi, đan gùi vừa có tiền vừa giữ được nghề, nhưng bọn trẻ trong làng bây giờ nó không muốn học. Nó đi làm việc khác rồi, nếu như vậy thì lâu dần những người biết đan trong làng cũng không còn, sẽ không giữ được nghề của dân tộc mình nữa đâu”.

Xã Ia Dơk, huyện Đak Đoa hiện có 13 nhóm đan lát với 29 thành viên. Thực hiện chủ trương chung của huyện Đak Đoa là phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch nên hiện nay, chính quyền địa phương xã Ia Dơk đang tìm mọi giải pháp để nghề đan lát được lưu giữ và phát triển. Tuy nhiên cũng chỉ lồng ghép trong các buổi tuyên truyền, vận động.

Ông Lê Trọng Đoàn – Chủ tịch UBND xã Ia Dơk, huyện Đak Đoa nói: “Đối với các làng nghề thì xã có 10 làng thì có 9 làng duy trì được 2 nghề là dệt thổ cẩm và đan lát. Truyền thống đó được lưu giữ từ xưa đến nay, các cụ già thì truyền đạt lại cho con cháu. Để giữ được nghề truyền thống thì chúng tôi chủ yếu là thông qua các buổi họp, cùng mặt trận và các đoàn thể cùng cán bộ chuyên môn của ủy ban”.

 Để nghề đan lát không đứng trước nguy cơ mai một thì đòi hỏi cơ quan chuyên môn và người dân phải cùng nhau nỗ lực tìm kiếm thị trường, coi mặt hàng thủ công truyền thống là những mặt hàng quan trọng của địa phương, khai thác đồng thời cả 2 mặt giá trị, đó là  giá trị sử dụng và giá trị văn hóa, gắn kết làng nghề với du lịch, đưa nghề truyền thống trở thành sản phẩm du lịch bền vững./.

Lệ Xuân – Thiên Nga – Cao Duy


Lượt xem: 61

Trả lời