Người phụ nữ Jrai với đam mê thiết kế trang phục thổ cẩm

Cập nhật 20/1/2023, 06:01:41

Lâu nay dệt thổ cẩm được xem là nghề truyền thống lâu đời được trao truyền, tiếp nối qua bao thế hệ các bà, các mẹ, các chị em gái người Jrai, Bahnar trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc ra sức gìn giữ và phát huy, nhiều phụ nữ Jrai, đã và đang nỗ lực nâng tầm nghề dệt thổ cẩm, phát triển theo hướng hòa nhập với nhịp sống hiện đại. Chị Rơ Mah H’Tuyết ở thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện là 1 trong số đó. Hơn 10 năm nay, chị đã dành trọn đam mê sáng tạo trang phục dệt thổ cẩm, qua đó góp phần quảng bá văn hóa đặc sắc của đồng bào Jrai đến với nhiều người ở khắp nơi.

Dù không thể nối nghiệp nghề dệt thổ cẩm của bà, của mẹ, nhưng chị Rơ Mah H’Tuyết lại thể hiện tình yêu với thổ cẩm theo cách riêng của mình, đó là gắn bó với nghề may và thiết kế trang phục thổ cẩm…. Hơn 10 năm nay, sau những giờ đến Trường PTDT nội trú THCS huyện Phú Thiện để làm việc, tranh thủ thời gian rảnh rỗi chị H’Tuyết lại dành trọn đam mê và cảm xúc thăng hoa của mình với nghề thiết kế trang phục thổ cẩm. Trên chất liệu vải thổ cẩm truyền thống, chị đã sáng tạo nhiều kiểu váy, áo nam-nữ, vừa tôn vinh nét đẹp hoa văn thổ cẩm của người Jrai, vừa mang dáng dấp hiện đại, phù hợp với nhu cầu của khách hàng thuộc nhiều lứa tuổi, không chỉ người Jrai mà cả người Kinh.

Chị Rơ Mah H’Tuyết – Thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện chia sẻ: “Niềm vui của tôi là góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, truyền bá văn hóa cho thế hệ sau, đặc biệt là học sinh. Cứ mỗi lần đến trường, tôi tự hào nói với các em học sinh, cô là người giữ bản sắc văn hóa dân tộc, giữ hồn cho thổ cẩm, mai mốt ai yêu nghề thì cô dạy và truyền nghề cho miễn phí.  Mình làm dâu trăm họ, mỗi lần khách cảm thấy vui, mừng và khen đồ đẹp là tôi cảm thấy rất vui và tạo động lực để tôi phấn đấu phát triển thêm”.

Bên cạnh cung cấp trang phục váy, áo Jrai và Bahnar cho một số trường dân tộc nội trú trên địa bàn huyện Phú Thiện, bình quân mỗi tháng chị H’Tuyết còn bán được hơn 100 bộ đồ thổ cẩm của người Jrai cho người dân ở các tỉnh, thành. Ngoài việc cung cấp những trang phục thổ cẩm từ dệt máy, để khách hàng có thêm sự lựa chọn, chị còn chịu khó đến các buôn, làng trên địa bàn huyện Phú Thiện và huyện Ia Pa để sưu tầm vải dệt thủ công có hoa văn sắc sảo, đẹp mắt từ các bà, các mẹ, các chị, qua đó góp phần giúp các nghệ nhân có thêm thu nhập, đồng thời tạo động lực để họ tiếp tục gắn bó với nghề truyền thống của dân tộc. Hiện nay, chị H’Tuyết đang ấp ủ ước mơ xây dựng sản phẩm thổ cẩm của người Jrai thành sản phẩm OCOP, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của dân tộc.

Bà Rơ Mah H’La – Làng Plei RBai, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện nhận xét: “Nếu Tuyết đặt hàng thì mình làm cho, còn không thì mình cũng làm cho họ hàng bà con của mình. Tuyết đặt hàng thì mình giữ nghề truyền thống của cha mẹ và dạy cho con cái mình sau này nữa”.

Chị Rơ Mah H’Tuyết – Thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện chia sẻ: “Hiện nay, tôi có đăng ký 2 sản phẩm OCOP là áo dài tay nam truyền thống Jrai và bộ váy áo nữ người Jrai. Mong rằng sản phẩm sẽ đến với người tiêu dùng và bạn bè gần xa biết đến bản sắc của người Jrai Tây Nguyên”.

Không chỉ được mệnh danh là nhà thiết kế thời trang từ thổ cẩm của người Jrai ở khu vực phía Đông Nam tỉnh Gia Lai, chị Rơ Mah H’Tuyết còn là một cô thủ thư gần gũi, đáng mến của hàng trăm em học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Phú Thiện. Bao năm gắn bó với mái trường dân tộc nội trú, chị đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn và vun đắp niềm tự hào về văn hóa của dân tộc nói chung và trang phục truyền thống của người Jrai, Bahnar nói riêng cho các thế hệ học sinh của trường. Đây chính là những “mầm xanh”, là những sứ giả văn hóa góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

Em Lương Sơn Hoàng Gia – Trường PTDT nội trú THCS huyện Phú Thiện nói: “Khi được khoác trên mình bộ đồ truyền thống của dân tộc mình thì em thấy rất vui và tự hào. Khi được đi lễ hội lớn thì em sẽ mặc để quảng bá, lan truyền văn hóa của dân tộc mình”.

Với niềm đam mê sáng tạo, thiết kế trang phục thổ cẩm, chị Rơ Mah H’Tuyết đã và đang góp sức nâng tầm giá trị tinh hoa của đồ thổ cẩm Jrai với giá trị sử dụng một cách cao nhất nhằm bảo tồn và quảng bá văn hóa đặc sắc của dân tộc. Sự tin yêu, ủng hộ ngày càng nhiều của khách hàng trong và ngoài tỉnh cùng sự trân quý giá trị văn hóa dân tộc của thế hệ trẻ đã tiếp thêm bao niềm cảm hứng để chị H’Tuyết dành trọn đam mê với nghề thiết kế trang phục thổ cẩm, qua đó phát huy giá trị văn hóa của dân tộc trong nhịp sống hiện đại./.

Thiên Thanh, Minh Vũ


Lượt xem: 20

Trả lời