Người dân thôn Thủy Lợi, xã Ia Glai, huyện Chư Sê mong muốn được chuyển đến nơi ở mới do ô nhiễm môi trường kéo dài

Cập nhật 29/8/2016, 15:08:59

Nhiều năm nay, cuộc sống của người dân thôn Thủy Lợi, xã Ia Glai, huyện Chư Sê bị ảnh hưởng nghiêm trọng do khí thải và nước thải của Xí nghiệp chế biến mủ cao su thuộc Công ty TNHH Một thành viên Cao su Chư Sê gây ra. Mong muốn của người dân là được di dời ra xa xí nghiệp chế biến mủ cao su để tránh tình trạng ô nhiễm..

29.8 nguoidan

Theo phản ánh của người dân, tình trạng ô nhiễm do Xí nghiệp chế biến mủ cao su Chư Sê gây ra đã kéo dài trên 15 năm. Mỗi năm tình trạng ô nhiễm càng nặng thêm, người dân tại đây đã nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền nhưng vẫn chưa được giải quyết. Ô nhiễm môi trường kéo dài không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà đời sống kinh tế của người dân cũng gặp không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Công Tôn-Trưởng thôn Thủy Lợi, xã Ia Glai, huyện Chư Sê cho biết: “Cuộc sống của người dân ở đây là kinh tế mỗi ngày một ách tắc do tình trạng mua bán là người ta ít tới vì quá thúi, nhiều người chỉ đi ngang qua là thấy thúi rồi. Ô nhiễm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân quá khó, đi đâu cũng thúi cả, nó rình rập xung quanh dân vùng này. Nắng thì hôi không chịu nổi, bảo đảm mình ngồi ở đây cũng hôi, trong nhà cũng hôi. Chỉ cần gió thổi một cái là nhà nào cũng bị hôi hết”.

Được biết, Xí nghiệp chế biến mủ cao su Chư Sê cũng đã đầu tư xây dựng ống dẫn nước thải và hệ thống xử lý, tuy nhiên điều đáng  nói là hệ thống này khá sơ sài, không có nắp đậy khiến mùi hôi bốc lên nồng nặc. Đặc biệt, mỗi khi xả thải quá tải sẽ làm vỡ ống, nước thải tràn ra bên ngoài gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng….

Khu vực này trước đây có khoảng 10 hộ dân sinh sống, thế nhưng do tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nên nhiều người đã chuyển đi nơi khác , và thế là nhiều căn nhà bị bỏ hoang như thế này…

Ông Phan Phú-Thôn Thủy Lợi, xã Ia Glai, huyện Chư Sê cho biết: “Nước thải của nhà máy chế biến mủ của công ty cao su chảy ra nhưng mà không có gì ngăn chặn hết, có lúc vài ba tháng nó sẽ vỡ đường ống này ra, dân sống ở khu vực này không nổi phải chuyển đi hết. Thứ 2 là hồ thủy lợi thì xã Ia Glai cũng cho chúng tôi đấu thầu để nuôi cá, nhưng năm vừa rồi bị vỡ đường ống dẫn đến ô nhiễm hồ, cá chết hết thì nhà máy cũng có đền bù 100 triệu nhưng mà dưới hồ thì nay chúng tôi không nuôi trồng gì được”.

Trước đây thôn Thủy Lợi có gần 200 hộ dân sinh sống, nhưng nay chỉ còn 96 hộ, mong muốn của người dân lúc này là được di dời đến nơi ở mới an toàn hơn, có môi trường sống trong  lành  hơn.

Ông Phan Xuân Chiến-Thôn Thủy Lợi, xã Ia Glai, huyện Chư Sê cho biết: “Nhân dân ở đây mong sao Nhà nước kiếm cho nhân dân thôn Thủy Lợi một số đất để di chuyển dân ra khỏi vùng có mùi hôi. 96 hộ ở đây đều làm nông nghiệp hết nên cũng mong chính quyền các cấp xem xét lại làm sao để nhân dân thôn Thủy Lợi làm ăn kinh tế”.

Ông Phan Phú-Thôn Thủy Lợi, xã Ia Glai, huyện Chư Sê đề nghị: “Đề nghị cấp trên, chính quyền địa phương cũng như Trung ương giúp đỡ cho dân Thủy Lợi chúng tôi được di dời đến nơi ở khác. Như tôi đây chỉ hút một điếu thuốc cũng xem là thải chất độc ra ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em, huống chi chúng tôi ở đây bao nhiêu năm nay ăn ngủ, ngày đêm toàn mùi hôi thối”.

Thiết nghĩ với tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như kinh tế của người dân như thế này thì nguyện vọng được di dời đến nơi ở mới là hoàn toàn chính đáng. Hy vọng các cấp có thẩm quyền sớm xem xét giải quyết để người dân thôn Thủy Lợi không phải sống trong tình trạng ô nhiễm nữa./.

Lê Thư-Kim Châu- Duy Linh

 


Lượt xem: 817

Trả lời