Nghệ nhân ALip với đam mê truyền dạy cồng chiêng

Cập nhật 19/1/2018, 09:01:52

Nghệ nhân Alip ở làng Groi II, xã Glar, huyện Đak Đoa  là người con của dân tộc Bahnar. Hơn chục năm qua, bằng tình yêu đặc biệt với văn hóa cồng chiêng và mong muốn cháy bỏng bảo tồn, phát huy được nghệ thuật cồng chiêng ngay trong cuộc sống đời thường, nghệ nhân ALip đã tận tâm truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ.

 Những ngày nghỉ cuối tuần tiếng cồng chiêng lại vang lên trong ngôi nhà sàn của nghệ nhân Alip….

Năm lên 6 tuổi, nghệ nhân Alip đã theo cha học đánh chiêng với những bài chiêng như mừng lúa mới, Lễ đam trâu hay Lễ bỏ mả… rồi học cách thẩm âm và cách chỉnh chiêng, đến năm 11 tuổi ông có thể chơi thạo chiêng và truyền đạt lại niềm đam mê ấy cho thế hệ trẻ. Đến nay, Nghệ nhân Alip đã thành lập được 2 đội cồng chiêng người lớn và thanh thiếu niên ở xã Ia Pết và xã Glar với trên 80 người tham gia.

Nghệ nhân Alip chia sẻ:Hồi xưa mình đi theo cha mình với chú mình đi đánh chiêng trong các ngày lễ hội, mình thấy mình vui… Mình thấy mấy đứa cháu nó cũng muốn học đánh chiêng như mình nên mình dạy. Mình giữ cồng chiêng sợ mất truyền thống của mình nên mình phải giữ lại, cố gắng dạy cho mấy đứa nhỏ. Mong muốn mấy đứa nhỏ phải như giữ cồng chiêng như mình này, như ông già mình này”.

Ngoài trực tiếp dạy đánh cồng chiêng cho các thanh thiếu niên trên địa bàn huyện Đak Đoa, nghệ nhân Alip còn tham gia phụ giảng về văn hóa cồng chiêng ở một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Không chỉ đam mê truyền đạt cách đánh chiêng, mà nghệ nhân Alip còn tâm huyết giảng dạy về vẻ đẹp của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Chính điều này đã hình thành nên ý thức trong thế hệ trẻ là phải biết bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Chị Hồ Thị Duyên, Cán bộ văn hóa thông tin xã Glar, huyện Đak Đoa cho biết: “Ngoài truyền dạy cho các em nhỏ thì chú còn hỗ trợ các thành viên trong đội cồng chiêng tham gia biểu diễn các dịp lễ hội và tham biểu diễn giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các thôn, xã, huyện cũng như là ở những khu giải trí để làm sao cho việc lưu truyền và phát huy văn hóa vẫn được giữ vững. Đối với địa phương công nhận ông Alip là một nghệ nhân tiêu biểu. Năm vừa rồi địa phương đã phối hợp với Phòng văn hóa và thông tin huyện đề xuất ông là nghệ nhân ưu tú. Thứ nhất là để tôn vinh giá trị văn hóa mà ông đã truyền dạy, thứ hai nữa vì ông là người lưu giữ các giá trị văn hóa của địa phương”.

Nhờ được nghệ nhân Alip phát hiện, dìu dắt, nhiều em nhỏ có năng khiếu đã thể hiện được tài năng của mình thông qua các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn. Bên cạnh việc truyền dạy đánh chiêng, chỉnh chiêng, nghệ nhân Alip còn biết làm một số nhạc cụ dân tộc như đàn T’rưng, đàn Gong, Kní, chiêng tre. Ông chia sẻ rằng: mình cũng sẽ tiếp tục dạy cho bọn trẻ biết đánh một số nhạc cụ dân tộc.

 “Mấy đứa nhỏ này, những buổi chiều đến nhà mình mình dạy nó đánh đàn T’rưng, đàn Gong Kní nó thích lắm. Nó nghe mình đàn hay, nó vui nên nó tập” nghệ nhân Alip nói.

Theo nghệ nhân Alip thì cồng chiêng là cội rễ, là tiếng nói tâm tình của người Ba Na. Vui người ta đánh cồng chiêng, buồn cũng lấy cồng chiêng ra kể chuyện. Năm nay đã gần 60 tuổi nghệ nhân ALip vẫn đam mê truyền dạy cồng chiêng và các loại nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ, bởi với ông cồng chiêng chính là một phần cội nguồn dân tộc mình.

Lệ Xuân – Thiên Nga –  Xuân Huy


Lượt xem: 164

Trả lời