Ngăn chặn tảo hôn ở những làng đặc biệt khó khăn của huyện Chư Păh

Cập nhật 20/3/2024, 10:03:34

Tảo hôn là vấn nạn vẫn còn xảy ra tại huyện Chư Păh. Thời gian qua, huyện đã tích cực triển khai các chương trình, dự án, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, góp phần giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Em Rơ Châm Duy lấy chồng khi vừa tròn 15 tuổi và làm mẹ khi vừa bước sang tuổi 17. Làm vợ, làm mẹ khi còn quá trẻ, gia đình lại thuộc diện hộ cận nghèo, không có việc làm ổn định nên cuộc sống của Duy rất khó khăn. Thấu hiểu những vất vả khi lấy chồng sớm, Duy đã tham gia vận động các em vị thành niên không nên tảo hôn.

Em Rơ Châm Duy – Làng Yút, xã Ia Phí, huyện Chư Păh chia sẻ: “Đi làm vất vả, bố mẹ không cho thì không có tiền. Mình nói các bạn, các em không nên lấy chồng sớm, khổ lắm.”

Làng Yút, xã Ia Phí là làng đặc biệt khó khăn ở huyện Chư Păh. Làng có 139 hộ với gần 500 nhân khẩu, 100% là dân tộc Jrai; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm hơn 50%. Năm 2022 trong làng có 03 cặp tảo hôn. Để nâng cao nhận thức cho bà con, thôn trưởng cùng các hội đoàn thể thường xuyên tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Nhà nước, lồng ghép Luật hôn nhân gia đình và hệ lụy của tảo hôn. Đến cuối năm 2023, trong làng không có trường hợp nào tảo hôn.

Ông Rơ Châm Kiểu – Thôn trưởng làng Yút, xã Ia Phí, huyện Chư Păh nói: “Trước mắt là đi tuyên truyền, nhà nào sắp lấy vợ, lấy chồng tảo hôn là mình đi tuyên truyền trực tiếp tại nhà để dặn họ cái này nó sai, chưa đủ tuổi lập gia đình. Cũng mong các hộ đó vận động cho con mình, bây giờ lấy sớm quá sau này mình nuôi con cái rất là khó, mình nuôi mình chưa được thì sao mình nuôi con cái, sau này còn khổ nữa.”

Làng Kon Pơ Nang, xã Hà Tây cũng là làng đặc biệt khó khăn ở huyện Chư Păh với 100% dân số là dân tộc BahNar. Trong làng có 1 Tổ truyền thông cộng đồng gồm 6 thành viên là thôn trưởng, phụ nữ, thanh niên…. Định kỳ sinh hoạt 1 tháng 1 lần để tuyên truyền cho bà con trong làng về những kiến thức bảo vệ, chăm sóc phụ nữ trẻ em, nhất là ngăn chặn tảo hôn. Nhờ vậy 3 năm qua, làng Kon Pơ Nang không xảy ra vụ tảo hôn nào.

Anh Để – Thôn trưởng làng Kon Pơ Nang, xã Hà Tây, huyện Chư Păh cho biết: “Tổ truyền thông cộng đồng cũng nói về tảo hôn cho con em chưa đủ tuổi mà đã có con trước. Thì vấn đề đó rất là quan trọng phải tuyên truyền ngay lập tức. Cũng có trường hợp nhưng từ khi thực hiện Dự án 8, bà con trong làng cũng có một chút ý thức về vấn đề tảo hôn.”

Huyện Chư Păh hiện có 31 làng đặc biệt khó khăn với 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhận thức của một số người dân còn hạn chế nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ tảo hôn. Triển khai Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN huyện Chư Păh đã thành lập 31 Tổ truyền thông cộng đồng với 303 thành viên ở các làng đặc biệt khó khăn, tích cực tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tổ chức 12 buổi đối thoại và in phát 14.000 tờ rơi truyền thông tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Bà Nguyễn Thị Bảy – Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Păh trao đổi: “Tuyên truyền vận động để người dân nâng cao nhận thức để giảm thiểu dần nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đối với Hội LHPN huyện cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều buổi truyền thông lồng ghép trong Dự án 8. Tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức và phối hợp với Mặt trận đoàn thể tuyên truyền về nội dung này.”

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tình trạng tảo hôn ở các làng đặc biệt khó khăn trên địaa bàn huyện Chư Păh đã giảm. Huyện Chư Păh sẽ tiếp tục quan tâm, thực hiện các chính sách của Nhà nước, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số./.

Diễm Ly – Bùi Đại


Lượt xem: 15

Trả lời