Nâng cao ý thức cùng chung tay giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và nilon

Cập nhật 05/6/2018, 14:06:40

Chất thải nhựa và túi nilon đang trở thành một thách thức lớn khi mà đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người. Trong khi đó ý thức của người dân trong việc sử dụng, thu gom đối với các loại rác thải này còn những hạn chế nhất định. Với chủ đề giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon, Ngày Môi trường Thế giới 5/6 năm nay nhằm khuyến khích người tiêu dùng cắt giảm tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa và túi nilon cũng như từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường chung.

Câu Lạc bộ phân loại rác của Chi hội phụ nữ tổ 6, phường Đống Đa, TP.Pleiku được thành lập cách đây hơn 1 năm đến nay đã thu hút được 34 hội viên tham gia. Ngoài việc phân loại rác thải tại nhà thì các thành viên trong Câu lạc bộ đều tuyên truyền, vận động các chị em trong tổ sử dụng các dụng cụ như: làn, giỏ sách để đi chợ nhằm hạn chế việc sử dụng các loại túi nilon để bảo vệ môi trường.

Bà Phạm Thúy Lục – Chủ nhiệm Câu lạc bộ phân loại rác thải, Tổ 6, phường Đống Đa, TP.Pleiku nói: “Qua phân loại chất thải vô cơ, hữu cơ và chất thải rắn thì túi nilon là khó phân hủy nhất và nếu chúng ta chôn xuống thì phải 20 đến 30 năm cũng chưa chắc đã phân hủy được chính vì vậy mà chúng tôi thu gom để bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp”.

Tuy nhiên, do sự tiện ích nên rất nhiều người vẫn có thói quen sử dụng túi nilon khi đi mua sắm. Để góp phần bảo vệ môi trường đã 10 năm nay, Siêu thị Co.opmart TP.Pleiku đã triển khai việc sử dụng các loại túi tái sử dụng hay sử dụng những vật liệu dễ phân hủy song có rất ít người lựa chọn những loại túi này mà thay vào đó là túi nilon. Bình quân hàng tháng Siêu thị Co.opmart phải sử dụng tới 2.500 kg túi nilon để đựng, đóng gói các sản phẩm bán ra, cao hơn rất nhiều lần so với các loại túi sách khác.

Chị Nguyễn Thị Diệu Trinh, Tổ trưởng Tổ Maketting và dịch vụ khách hàng Siêu thị Co.opmart TP.Pleiku cũng cho biết: “Hiện tại bên đơn vị cũng đã sử dụng tất cả các loại túi để đóng gói và bỏ hàng cho khách hàng là các túi polyme dễ phân hủy; bên cạnh đó Siêu thị cũng đã đưa ra các loại túi tái sử dụng khi mỗi lần đi mua sắm nhưng theo thống kê hàng tháng lượng túi tái sử dụng lại rất ít so với loại túi nilon, chỉ chiếm khoảng 2 đến 3%”.

Theo thống kê, bình quân mỗi ngày một gia đình ở nước ta sử dụng từ 5 đến 7 túi nilon. Và chất thải nhựa chiếm khoảng 16% trong tổng số 18.000 tấn rác thải hàng ngày. Còn đối với địa bàn tỉnh Gia Lai bình quân lượng chất thải rắn sinh hoạt hàng ngày là gần 688 tấn, một năm là khoảng 250.000 tấn. Dù chưa có thống kê cụ thể nhưng lượng chất thải nhựa chiếm tỷ lệ không hề nhỏ. Trong khi đó, một bộ phận người dân còn chưa có ý thức, bao bì, túi nilon bị vứt một cách bừa bãi; mặt khác, việc thu gom, xử lý đối với chất thải nhựa, túi nilon, nhất là ở khu vực nông thôn chưa đảm bảo. Chính điều này khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường từ các loại rác thải nhựa ngày càng trở nên đáng báo động. Hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6 năm nay, tỉnh Gia Lai đã có kế hoạch triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa để chung tay giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và túi nilon.

Chị Lê Thị Hồng Quyên, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT tỉnh Gia Lai cho biết: “Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp triển khai các hoạt động Ngày Môi trường Thế giới, như là treo panô, áp phích, phát động cộng đồng tổ chức khơi thông cống rãnh, giữ vệ sinh môi trường; tăng cường thanh, kiểm tra đối với các cơ sở trên địa bàn tỉnh để tránh gây ô nhiễm môi trường; triển khai một số mô hình phân loại rác tại nguồn; UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các mô hình phân loại rác, hạn chế sử dụng túi nilon, sử dụng những sản phẩm dễ phân hủy để hạn chế lượng rác thải ra môi trường”.

 Cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành thì mỗi người dân cần thay đổi thói quen sử dụng túi nilon mà thay vào đó là những sản phẩm thân thiện với môi trường; đồng thời, nêu cao ý thức trong việc sử dụng, xử lý chất thải rắn, bao bì túi nilon đã qua sử dụng để góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa và túi nilon./.

Đức Hải, Huy Toàn


Lượt xem: 120

Trả lời