Nâng cao nhận thức phòng, chống tai nạn thương tích trong học đường

Cập nhật 08/5/2017, 08:05:26

Thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017 – 2020 của UBND tỉnh, nhiều đơn vị trường học đã triển khai các giải pháp thiết thực với mục đích giúp học sinh có kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình và những người xung quanh.

Thực hành thành thạo thao tác sơ cứu ban đầu các tai nạn thương tích thường gặp, vẽ đúng các loại biển báo giao thông như thế này là một trong những yêu cầu đối với mỗi em học sinh ở Trường THCS Tôn Đức Thắng, phường Thống Nhất, thành phố Pleiku, nếu muốn được công nhận đã hoàn thành Chuyên hiệu rèn luyện đội viên do Hội đồng đội trung ương quy định. Đây là một hình thức mà Trường THCS Tôn Đức Thắng lồng ghép và triển khai nhằm nâng cao kỹ năng xử lý tình huống của học sinh nếu có tai nạn thương tích xảy ra. Chính vì thế, học sinh không những phải nắm vững các kỹ năng về băng bó vết thương, sơ cứu người bị đuối nước mà còn biết cách xử lý, bảo vệ bản thân và người xung quanh trong những trường hợp cần thiết.
Em Trần Thị Ngọc Hân , lớp 9.1, Trường THCS Tôn Đức Thắng, TP Pleiku cho biết: “Khi em tham gia chương trình hôm nay, em thấy rất vui vì biết thêm nhiều kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích. Băng bó xương cẳng tay giúp lúc đầu phải tìm cách cố định vết thương, sau đó dùng vải mềm để quấn từ từ để vết thương có thể không bị tổn thương”.
Em Trịnh Trung Tâm , lớp 9.1, Trường THCS Tôn Đức Thắng, TP Pleiku cho biết: “Giả dụ em gặp một bạn học sinh bị đuối nước hoặc người nào đó bị đuối nước, nếu mà em biết bơi thì em sẽ xuống cứu bạn đó, nếu không biết bơi thì em sẽ gọi người đó, quanh những vật nổi để bạn đó có thể cầm để bám trụ vào bờ, và tiến hành hô hấp nhân tạo. Đầu tiên em kê cổ của bạn đó lên cao và lấy gạc hoặc tay chùi dãi hoặc nước dãi của bạn đó tràn ra ngoài và thứ hai em sẽ nghe nhịp tim của bạn đó, nếu nhịp tim của bạn đó, đầu tiên em sẽ mát xa tim và thổi một hơi dài vào miệng bạn đó và cứ tiếp tục như vậy làm từ ba đến bảy phút nếu như thấy bệnh nhân tỉnh lại thì chúng ta đưa vô phòng cấp cứu”.
Mùa hè sắp đến cũng là lúc học sinh hay gặp phải các tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, chính vì thế việc nâng cao nhận thức, hành vi của học sinh là điều vô cùng cần thiết. Không chỉ tuyên truyền thông qua những sân chơi ngoại khóa bổ ích do Đoàn, Đội tổ chức, để giáo dục ý thức đề cao cảnh giác trước các nguyên nhân và tai nạn có thể xảy ra như: tai nạn giao thông, trèo cây, đuối nước, điện giật, bạo lực học đường…Trường THCS Tôn Đức Thắng, TP Pleiku đã phối hợp chặt chẽ với phụ huynh và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn phường tuyên truyền, hạn chế tối đa tình trạng tai nạn thương tích trong học đường.

Cô Nguyễn Thị Phi Khanh , Hiệu phó Trường THCS Tôn Đức Thắng, TP Pleiku cho biết: “Là một trường ở trung tâm thành phố các em học sinh có điều kiện hơn các vùng khó khăn khác tuy nhiên các em cũng có nhiều điều kiện về thời gian cho nên việc chơi bời so với vùng khác cũng nhiều hơn .Cho nên nhà trường luôn phối hợp với các đoàn thể trong và ngoài nhà trường qua việc tuyên truyền đối với phụ huynh học sinh thông qua các tổ chức đoàn thế như đoàn thanh niên, đội, thông qua ngoại khóa, chào cờ, 15 phút sinh hoạt đầu giờ và trong các buổi sinh hoạt cuối tuần để các em hiều được những hậu quả không có ý thức rèn luyện kỹ năng sống cũng như kỹ năng về phong chống đuối nước”.

Hiện nay, dù ở nông thôn hay thành thị vấn đề tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước ở lứa tuổi học đường đang là những vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Việc nâng cao hiểu biết cho các em học sinh đang ở độ tuổi hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích như Trường THCS Tôn Đức Thắng, thành phố Pleiku là việc làm có ý nghĩa thiết thực, thể hiện trách nhiệm của nhà trường trước những mối đe dọa đến tính mạng và sức khỏe trẻ em./.

Thanh Vui, Minh Vũ


Lượt xem: 160

Trả lời