Nan giải vấn đề xử lý rác thải ở nông thôn

Cập nhật 22/9/2018, 16:09:23

Chủ đề của Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2018 là “Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững” nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác quản lý rác thải tại khu vực nông thôn. Ở tỉnh Gia Lai những năm qua, mặc dù UBND tỉnh luôn tăng cường chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp đồng bộ và quyết liệt để thực hiện những nhiệm vụ cấp bách về bảo vệ môi trường nhưng công tác xử lý rác thải ở nhiều khu vực nông thôn trong tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn nên ảnh hưởng đến môi trường và đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

        

Như chúng tôi đã phản ánh, bãi xử lý rác thải tập trung của huyện Ia Pa nằm trên trục đường chính vào trung tâm xã Ia Mrơn luôn trong tình trạng quá tải. Việc thu gom, xử lý rác thải mang tính thủ công, sơ sài, thêm vào đó nhiều người dân vứt xả rác một cách bừa bãi nên tại khu vực này môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân nhưng chưa được các ngành chức năng và chính quyền địa phương xử lý.

Anh Rmah Le, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, Gia Lai nói: “Do rác thải vứt lung tung nên qua đây mùi rất hôi thối. Mong làm sao cho  sạch hơn chứ bãi rác nằm gần làng như thế này gây ô nhiễm môi trường rất lớn”.

Theo thống kê chưa đầy đủ, lượng chất thải rắn sinh hoạt trong toàn tỉnh mỗi ngày khoảng 687 tấn, một năm khoảng 250.000 tấn, đó là chưa kể một lượng lớn các loại chai, lọ, bì đựng thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường. Thế nhưng, công tác thu gom, xử lý chất thải rắn đang gặp nhiều khó khăn và bất cập. Nhiều người dân chưa tích cực tham gia bảo vệ môi trường, vứt xả rác bừa bãi ra đồng ruộng và các khu dân cư, nhất là đối với các loại rác thải nhựa và túi nilon càng gây nguy hại đến môi trường, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.

Ông Ra Lan Nhoan, xã Chư Gu, huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết: “Nhiều người dân vứt xả rác bừa bãi ra khu vực xung quanh chợ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến mỹ quan. Đề nghị các ngành chức năng có biện pháp xử lý kịp thời”.

Do nguồn kinh phí chưa đảm bảo nên việc xây dựng các bãi rác cũng như công tác thu gom, xử lý rác thải rắn ở nhiều xã trong tỉnh đang gặp không ít khó khăn và thách thức, mới chỉ có 57/184 xã tự thành lập các tổ, đội, hợp tác xã thu gom rác thải, điểm tập kết rác thường bố trí ở đầu thôn và trên trục đường giao thông chính của xã. Còn hầu hết các bãi chôn lấp chất thải rắn ở cấp huyện đều là bãi rác lộ thiên, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường đất, nước, không khí.

Bà Lương Thị Tuyết Vinh- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT Gia Lai cho biết: “Công tác thu gom xử lý rác thải ở khu vực nông thôn trong tỉnh gặp không ít khó khăn. Mặc dù đã có chế tài nhưng việc phát hiện và xử lý các hành vi của người dân trong việc vứt xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường rất khó.Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các xã đã quy hoạch điểm xử lý rác thải nhưng mới chỉ dừng lại ở việc quy hoạch, chưa có nguồn kinh phí để đầu tư triển khai công tác này một cách thỏa đáng”.

Hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2018 với chủ đề “Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững”, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất và các hành vi gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn dân trong việc tham gia thu gom, xử lý rác thải ở nông thôn, bảo vệ môi trường bền vững./.

 Hà Đức, R’Piên, Sơn Trung

                                                                                                              

                                                                                                                


Lượt xem: 108

Trả lời