Mô hình trồng tiêu bền vững ở Đak Đoa 

Cập nhật 20/2/2017, 08:02:32

Chính vì lợi nhuận mang lại từ cây tiêu khá cao nên những năm qua nông dân ở các địa phương đổ xô trồng tiêu khiến diện tích loại cây này không ngừng tăng nhanh. Tuy nhiên, hệ lụy từ việc mở rộng diện tích ồ ạt, canh tác không đúng quy trình đã dẫn đến nhiều diện tích tiêu bị nhiễm bệnh, năng suất thấp gây nhiều thiệt hại cho người trồng tiêu. Chính vì vậy việc nhân rộng các mô hình trồng tiêu theo hướng bền vững và an toàn đang được các địa phương đặc biệt chú trọng. Phóng sự được thực hiện tại xã Nam Yang, huyện Đak Đoa.

Vườn tiêu của gia đình anh Ngô Văn Tiên ở thôn 1, xã Nam Yang năm nay cho năng suất khá cao. Bình quân 1 trụ tiêu cho thu hoạch khoảng 6 kg khô, có trụ đến 8 kg. Trong khi không ít vườn tiêu trên địa bàn đối mặt với tình trạng sâu bệnh thì 7 ha tiêu của gia đình anh vẫn phát triển ổn định qua nhiều năm, dự kiến vụ thu hoạch này đạt 35 tấn. Đó là kết quả của quá trình học hỏi, rút kinh nghiệm qua nhiều năm áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác tiêu bền vững, đặc biệt là hướng đến mô hình sản xuất tiêu sạch.

Anh  cho biết: “Làm ra sản phẩm mà sản phẩm không sạch đưa ra thị trường thế giới mất giá trị do đó người dân cần canh tác hồ tiêu theo đúng quy trình, không lạm dụng phân hóa học. Tương lai phải hướng đến một nguồn sản phẩm nông nghiệp sạch”.

Xã Nam Yang hiện có 345 ha hồ tiêu. Năm vừa qua có thêm 37 ha trồng mới. Từ thực tế việc canh tác hồ tiêu của nông dân vẫn thiếu tính bền vững, dễ bùng phát các loại sâu bệnh làm cho năng suất, chất lượng hồ tiêu xuống thấp do đó việc nhân rộng mô hình trồng tiêu bền vững đang được quan tâm.

Ông Nguyễn Xuân Tùng – Chủ tịch UBND xã Nam Yang, huyện Đak Đoa cho biết: “Vừa rồi xã đã thành lập hợp tác xã, triển khai mô hình tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, một số thì đang đi học hỏi thêm. Đặc biệt đang khuyến khích nông dân nên trồng cây sống để che bóng mát, sử dụng phân sinh học. Sau khi thành lập hợp tác xã xong sẽ triển khai tập huấn trên địa bàn toàn xã để nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật”.

           Tháng 2 là thời điểm nông dân bắt đầu bước vào vụ thu hoạch hồ tiêu. Đây là loại nông sản mang lại nguồn thu nhập cao, tuy nhiên dù là nước xuất khẩu tiêu lớn nhất thế giới, hồ tiêu Việt Nam lại đang đối mặt nguy cơ mất thị trường do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cao. Chất lượng là vấn đề sống còn của ngành hồ tiêu trong thời gian tới. Chính vì thế việc hướng đến sản xuất tiêu sạch, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường là hướng canh tác cần được nông dân chú trọng để phát triển loại cây trồng này một cách ổn định và bền vững./.

Kim Châu – Thiên Thanh- Đặng Trà


Lượt xem: 194

Trả lời