Mô hình trồng điều- hướng thoát nghèo cho bà con vùng khó tại huyện Phú Thiện

Cập nhật 22/5/2018, 09:05:47

Thời gian qua, hoạt động tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được huyện Phú Thiện chú trọng triển khai và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nổi bật là thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn trên cây lúa và cây mía, góp phần tích cực trong việc thay đổi tập quán canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân địa phương.
Không chỉ dừng lại ở đó, thời gian vừa qua, huyện Phú Thiện cũng có nhiều động thái tích cực trong việc chuyển đổi các diện tích đất bạc màu sang trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó, có mô hình hỗ trợ nhân dân trồng điều.

Tận tay chăm sóc những cây điều ghép đã bắt đầu ra hoa và cho trái bói, anh Đinh Tuy – Bí thư chi bộ Plei Pông, xã Chư A Thai rất phấn khởi. Anh cho biết, toàn bộ 1ha diện tích đất này trước đây chủ yếu trồng mì, trải qua nhiều vụ do không được cày ải và sử dụng phân hóa học nên khu đất này đã bạc màu, nếu tiếp tục trồng mì thì sẽ cho thu nhập không cao. Năm 2016, được UBMTTQVN  huyện Phú Thiện hỗ trợ tiền mua giống, anh bàn với gia đình chuyển toàn bộ 01 ha đất trồng mì trước đây sang trồng điều ghép.

Anh Tuy cho biết:  “Trồng điều cũng dễ chăm bón, chỉ phun thuốc, làm cỏ và bón phân thôi, vào đầu mùa mưa thì mình bắt đầu tỉa cành tạo tán, chăm sóc kĩ càng thì chỉ 02 năm thì điều đã bắt đầu cho hoa và quả…”

Còn đối với gia đình ông Siu Đương – Thôn Kte Lớn A, xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện, hơn 02ha đất đồi trọc của gia đình nếu như những năm trước có trồng mì hay trồng mía thì cũng không mang lại hiệu quả kinh tế vì đất quá xấu, chi phí đầu tư lớn nên gia đình ông đã chuyển sang trồng điều. Đất đã không phụ công người, những cây điều đã vươn mình khỏe khoắn, phủ xanh khu vực đất trống, dự kiến sang năm thì toàn bộ diện tích điều của gia đình sẽ cho thu hoạch rộ, góp phần mang lại nguồn thu nhập khả quan cho gia đình ông.

Ông Siu Đương, Thôn Kte Lớn A, xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện cho biết:  “Cây điều thích nghi với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại đây, khi trồng thì cây cũng sinh trưởng và phát triển tốt. Trồng điều nói chung cũng nhàn vì chỉ chăm sóc trong thời kì cây ra hoa, đậu quả, mình chăm sóc tốt thì cây sẽ cho năng suất, sản lượng cao.”

Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, nếu chăm sóc tốt, đủ nước tưới thì 01 ha điều có thể cho thu hoạch từ 03 đến 4 tấn/ha, với giá bán điều như hiện nay dao động từ 30 đến 35 ngàn đồng một ký thì 01 ha điều, sau khi trừ chi phí  mỗi năm cũng cho thu nhập gần 100 triệu đồng, trong khi đó, sâu bệnh hại không nhiều, công chăm sóc, chi phí lại ít hơn trồng các loại cây khác và đặc biệt là thời gian thu hoạch có thể kéo dài từ 30 đến 40 năm. Cùng với đó, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Phú Thiện rất thích hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây điều, do đó, lựa chọn trồng điều là một giải pháp trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa bàn.

Ông Bùi Trọng Thành, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Thiện cho biết: “Trong vài năm trở lại đây, nhận thấy những hiệu quả bước đầu của việc trồng điều nên diện tích đất trồng điều tại địa bàn huyện đã tăng nhanh.  Do đó mà trong thời gian tới, phòng nông nghiệp sẽ tham mưu đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả, đất bạc màu để trồng điều, làm sao vẫn phải đảm bảo quy hoạch sản xuất chung của toàn huyện. Cùng với đó, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con sử dụng những giống điều ghép xác nhận để việc canh tác điều bền vững hơn.”

Ông Nay Ngun, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Thiện nói “Cũng mong các cấp, các ngành tổ chức thêm các lớp hướng dẫn kĩ thuật trồng và chăm sóc cây điều cũng như chia sẻ những kinh nghiệm và tham quan các mô hình thực tế để bà con thấy được những hiệu quả của loại cây trồng này, góp phần trực tiếp trong công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.”

Việc chuyển đổi một giống cây trồng, vật nuôi đòi hỏi phải có thời gian để kiểm chứng, tuy nhiên, trước những tín hiệu lạc quan của mô hình trồng điều hiện nay, hi vọng trong thời gian tới, loại cây trồng này sẽ góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định, chung sức trong công tác xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân, nhất là bà con vùng đồng bào DTTS, có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện.

          Bảo Anh – Cao Dũng


Lượt xem: 338

Trả lời