Mô hình trồng cây đinh lăng ở xã Ia Blứ

Cập nhật 21/7/2018, 17:07:56

Là địa phương chịu nhiều thiệt hại trước tình trạng tiêu chết hàng loạt trong vòng 3 năm qua, nhiều nông dân ở xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh đã và đang tìm nhiều hướng chuyển đổi cây trồng. Tuy nhiên việc chọn cây trồng nào phù hợp với thổ nhưỡng vừa mang lại hiệu quả là bài toán đặt ra hiện nay. Không bị thiệt hại như những hộ trồng tiêu trên địa bàn, cựu chiến binh Lê Cường ở thôn Thiên An, xã Ia Blứ là một trong những hộ sớm chuyển đổi sang trồng cây dược liệu và cây ăn quả từ cách đây vài năm với nguồn thu nhập ổn định.

Cách đây 4 năm, ngay từ khi cây tiêu bắt đầu có dấu hiệu bị nhiễm bệnh, ông Lê Cường đã nhanh chóng tìm hiểu kinh nghiệm từ bạn bè và là hộ đầu tiên triển khai mô hình trồng cây đinh lăng ở xã Ia Blứ. Học hỏi từ mô hình của một cựu chiến binh ở xã H’Bông, huyện Chư Sê, thấy loại cây này dễ trồng, ít tốn công, chi phí đầu tư, ông đã mạnh dạn đưa cây đinh lăng vào trồng thay thế vườn tiêu. Từ 1 kg đinh lăng trồng thử nghiệm ban đầu, đến nay ông đã nhân rộng trên 6 sào. Loại cây trồng này ưa bóng râm nên ông trồng xen canh dưới vườn cây ăn quả để tạo bóng mát, giúp cây phát triển tốt.

Ông Lê Cường – thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh nói: “Cây đinh lăng trồng 3 năm là cho thu hoạch từ gốc đến lá, thân. Trồng cây phải cách cây 1m nếu đất tốt, trồng như trồng mì. Kinh tế rất cao nhưng khâu chăm sóc đầu tư rất ít. Người ta vào mua tự đào, tự cắt chứ mình không bỏ công. Tương lai thì tôi không dám chắc nhưng hiện tại hiệu quả, năng suất rất cao”.

Hiện tại, vườn đinh lăng của ông Cường có khoảng 4.000 gốc. Ông cho biết, đinh lăng bán tận vườn cả gốc, thân, lá. 1 gốc trên 3 năm bán được với giá trên 400.000 đồng, khoảng 6 năm có giá trên 600.000 đồng/gốc, có những gốc bán được 1 triệu đồng. Ngoài gốc còn bán cả thân để nhân giống cho bà con với giá 50.000 đồng/kg. Thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng đinh lăng của gia đình ông Cường, một số hộ dân ở địa phương cũng đã bắt đầu thử nghiệm trồng cây dược liệu này.

Ông Phan Văn Linh – Chủ tịch UBND xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh cho biết: “Diện tích trồng đinh lăng trên địa bàn xã khoảng 5 ha. Bà con trồng chủ yếu trên diện tích cây hồ tiêu đã chết, đa số trồng xen canh trong các vườn chứ chưa trồng ồ ạt. Việc đảm bảo đầu ra cho cây trồng địa phương cũng rất trăn trở. Hiện đinh lăng giá rất cao sợ người dân tập trung trồng ồ ạt mà không biết đầu ra, thu mua có đảm bảo không”.

Với việc tìm hướng chuyển đổi cây trồng, người dân ở xã Ia Blứ kỳ vọng loại cây trồng mới sẽ đem lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người dân khi bắt đầu loại cây trồng mới cần tìm hiểu kỹ về kỹ thuật chăm sóc, đầu ra cho sản phẩm, không nên mở rộng diện tích ồ ạt để tránh rủi ro có thể xảy ra./.

Kim Châu, Thanh Sáng


Lượt xem: 282

Trả lời