Mô hình cánh đồng mía mẫu lớn-đầu tư ít, hiệu quả cao

Cập nhật 31/12/2014, 14:12:30

Nhà máy đường An Khê hiện đang quản lý trên 23 ngàn ha mía nguyên liệu, theo mô hình sản xuất truyền thống với giá mía nguyên liệu đầu vào như hiện nay thì người trồng mía khó có thể có lãi. Gần đây, để giúp người dân có thêm thu nhập, ổn định sản xuất bền vững, nhà máy đã phối hợp với các địa phương vùng nguyên liệu triển khai mô hình thí điểm cánh đồng mía mẫu lớn bước đầu mang lại hiệu quả cao.

 

 

Thăm quan cánh đồng mẫu lớn.

 

Tại xã Đăk Hlơ, niên vụ 2013-2014, gần 30 hộ dân ở thôn 4 và thôn 5 đã tham gia mô hình sản xuất mía nguyên liệu trên cánh đồng mẫu lớn với 30,5ha theo phương thức nhà máy hỗ trợ giống, cấp không phân bón bã bùn, hỗ trợ khâu làm đất, chăm sóc bằng cơ giới hóa. Lúc đầu do chưa tin vào hiệu quả kinh tế của nó, bà con còn e dè, lo ngại, nhưng nay thì hoàn toàn khác.

 

Ông Trần Bình An – Thôn 4 xã Đăk HLơ – Kbang phấn khởi nói: Tham gia mô hình này được nhà máy hỗ trợ phân bón bã bùn, được hỗ trợ làm đất, chăm sóc mía bằng cơ giới năng suất mía tăng lên nhiều, bà con chúng tôi rất phấn khởi.

 

Trao đổi với chúng tôi ông Trần Hữu Phước – Chủ tịch UBND xã Đăk HLơ cho hay:  Xã hết sức tạo điều kiện về chủ trương giúp bà con phát triển mô hình này. Dự kiến năm tới xã Đăk Hlơ sẽ vận động bà con phát triển lên 150ha. Hiện các ngành chức năng của huyện đang giúp địa phương quy hoạch lại vùng mía cánh đồng mẫu lớn.

 

Cây mía tươi tốt, cho năng suất cao.

 

Thấy rõ hiệu quả kinh tế cao, không chỉ một số xã ở huyện Kbang, niên vụ mía năm 2013-2014 tại các huyện Đăk Pơ, Kông Chro đã có hàng trăm hộ trồng mía hăng hái tham gia sản xuất mô hình cánh đồng mía mẫu lớn với diện tích gần 500ha.

 

Theo ông Nguyễn Trường – Chủ tịch UBND huyện Đăk Pơ, mặc dù diện tích mía sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn ít hơn so với huyện Kbang và Kông Chro nhưng với những cây mía và diện tích mía tốt như thế này ở địa phương lâu nay là rất hiếm và xem đây là mô hình mẫu để nhân ra diện rộng trên địa bàn huyện.

 

Ông Nguyễn Trường cho biết thêm: Lúc đầu chưa thấy rõ hiệu quả, việc vận động bà con tham gia mô hình này cũng khó khăn.Huyện Đăk Pơ đang tích cực vận động bà con tham gia mở rộng diện tích mô hình cánh đồng mía mẫu lớn để tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.Hiện địa phương đang tích cực phối hợp với nhà máy tổ chức các cuộc hội thảo đầu bờ đê giúp bà con có thêm kiến thức về sản xuâts theo mô hình mẫu lớn..

 

So với diện tích mía trồng đại trà, diện tích mía sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn sẽ giảm chi phí được 700 ngàn đồng một ha. Bên cạnh hỗ trợ về phân bón bã bùn, công làm đất, chăm sóc, nhà máy đường sẽ hỗ trợ tư vấn về giống, về độ PH, phối hợp với các địa phương tổ chức các buổi hội thảo đầu bờ cho bà con nông dân.

 

Chia sẻ về vấn đề này ông Nguyễn Văn Hảo – Phó giám đốc nhà máy đường An Khê cho biết:  Hiện nay nhà máy đã phát triển vùng nguyên liệu lên 23 ngàn ha tại các huyện phía đông tỉnh, riêng mô hình cánh đồng mía mẫu lớn đã phát triển lên gần 500ha với phương châm: Nhà máy hỗ trợ phân bón, làm đất, chăm sóc, tiến tới thu hoạch đại trà bằng cơ giới hóa. Đồng thời sẽ kéo 4 nhà cùng vào cuộc với cánh đồng mía mẫu lớn.

 

Cơ giới thay sức lao động con người.

 

Tới đây, cùng với việc tiếp tục khuyến khích hỗ trợ bà con nông dân vùng nguyên liệu tham gia mở rộng diện tích trồng mía trên cánh đồng mẫu lớn, nhà máy đường An Khê sẽ phối hợp với các địa phương liên kết bốn nhà cùng vào cuộc.

 

Với mức giá mía nguyên liệu 900 ngàn đồng 1 tấn như hiện nay, trừ chi phí bà con vẫn có lãi khoảng trên 40 triệu đồng/1 ha và kể cả khi giá mía có giảm so với thị trường chung thì người trồng mía theo mô hình mẫu lớn vẫn có lãi và các bên 4 nhà vẫn sẽ cùng có lợi./.

 

Gia Cư-X.Huy


Lượt xem: 68

Trả lời