Lung linh sắc màu văn hóa dân tộc Tây Nguyên tại Lễ hội đường phố Pleiku

Cập nhật 11/11/2023, 17:11:11

Là hoạt động nằm trong Tuần Văn hóa – Du lịch Gia Lai năm 2023, Lễ hội đường phố trình diễn cồng chiêng diễn ra chiều nay (11.11.) tại thành phố Pleiku với sự tham dự của hơn 1.000 nghệ nhân đến từ các đoàn cồng chiêng 5 tỉnh Tây Nguyên đã tạo ra không gian lung linh sắc màu văn hóa của cộng đồng các dân tộc bản địa sinh sống trên vùng đất đỏ Bazan và để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người dân phố Núi và du khách.

Hơn 1.000 nghệ nhân của 22 đội cồng chiêng 5 tỉnh Tây Nguyên đã đem tất cả những gì tinh túy nhất, đẹp nhất trong văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình gửi đến du khách và người dân phố Núi Pleiku. Những nhịp xoang hòa quyện trong âm vang trầm hùng của tiếng cồng, tiếng chiêng vang vọng khắp các tuyến phố nơi các đoàn nghệ nhân đi qua như mời gọi du khách thập phương ghé thăm Gia Lai trong những ngày diễn ra các hoạt động trong Tuần Văn hóa – Du lịch và Liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên – Gia Lai năm 2023.

Anh Rơ Mah Mich – Đoàn Nghệ nhân huyện Phú Thiện, Gia Lai chia sẻ: “Tham dự Lễ hội đường phố muốn gửi gắm, quảng bá những gì đặc sắc, những gì đặc trưng nhất; đặc biệt là giai điệu múa, giai điệu cồng chiêng của dân tộc mình để gửi đến quý vị, quý khách từ nơi xa tới Gia Lai để cùng chiêm ngưỡng, cùng thưởng thức.”

Anh A Tạ – Đoàn Nghệ nhân tỉnh Kon Tum xúc động bày tỏ: “Lễ hội năm nay rất ý nghĩa, rất vui và sung sướng đối với bản thân của tôi. Đến tham dự ở đây rất vui, được tiếp xúc và học hỏi từ các dân tộc anh em rất nhiều, với cả du khách nữa.”

Với sự chuẩn bị chu đáo kỹ lưỡng, Lễ hội đường phố trình diễn cồng chiêng đã tạo ra không gian văn hóa lung linh sắc màu, để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách và người dân Pleiku.

Anh Đặng Ngọc Dũng – TP. Pleiku, Gia Lai hào hứng nói: “Thấy rất là hay và độc lạ. Rất phấn khởi khi thất lễ hội rất vui.”

Phóng viên Lê Tiền – Báo Tiền Phong bày tỏ: “Tôi thấy ấn tượng về quy mô, hình thức. Mỗi địa phương thì đã cho thấy một hình ảnh, một bản sắc riêng từ điệu múa đến trang phục.”

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Việc bảo tồn, giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa cồng chiêng luôn được các cấp, các ngành và cộng đồng đồng bào các dân tộc thiểu số trên mảnh đất Tây Nguyên gìn giữ và phát huy.

Đoàn Bình – Thanh Sáng


Lượt xem: 7

Trả lời