Liên kết để phát triển nông nghiệp bền vững

Cập nhật 14/5/2022, 08:05:25

Sau nhiều năm kiên trì thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có những bước thay đổi căn bản, mang lại hiệu quả cao cho người dân, doanh nghiệp với sự đa dạng về sản phẩm, gia tăng về chất lượng và đảm bảo về lợi nhuận. Trong đó, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã xúc tiến việc phát triển, mở rộng sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, liên kết vùng, từ đó giải quyết được vấn đề đầu ra cho sản phẩm.

Một vụ thu hoạch với nhiều điều mới mẻ của bà con nông dân trên địa bàn huyện Chư Pưh. Bà con nông dân không cần trực tiếp đứng ra thu hoạch, cũng không cần lo lắng đến vấn đề vận chuyển hay tiêu thụ sản phẩm. Bởi, mọi việc đã có đơn vị cùng liên kết là một HTX trên địa bàn đứng ra chịu trách nhiệm. Mô hình sản xuất mới này đã góp phần xóa bỏ những lo lắng lâu nay của người nông dân về chi phí đầu tư, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Liên hiệp HTX Tinh dầu Tây – Bắc Gia Lai cho biết: “Liên kết chuỗi có lợi thế là chúng tôi cho bà con nợ giống, phân, có giá sẵn. Chúng tôi sẽ ký giá hợp đồng theo thỏa thuận, vậy là ngay từ đầu vụ bà con đã hoạch toán được là mình có thể thu về lợi nhuận bao nhiêu rồi. Và chúng tôi cũng đã ký hợp đồng với phía đối tác, thỏa thuận về giá cả ngay từ đầu rồi. Vì thế mà mức an toàn rất là cao”.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều mô hình liên kết được huyện Chư Pưh triển khai nhằm hướng đến một nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển bền vững. Ngoài chuỗi liên kết giữa nông dân với các HTX, giữa HTX với nhau, địa phương này còn thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp để hình thành các chuỗi liên kết với quy mô rộng hơn, trên nhiều loại cây trồng khác nhau. Trong đó, tập trung xây dựng các chuỗi liên kết ở những loại cây trồng lợi thế đang được địa phương định hướng phát triển.

Ông Nguyễn Long Khánh, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Chư Pưh, Gia Lai cho biết: “Thực hiện Nghị định 98 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước thì huyện cũng kêu gọi sự tham gia của HTX, doanh nghiệp để liên kết với người dân. Trước tiên giải quyết đầu ra ổn định cho người nông dân, từ đó an tâm, ổn định sản xuất”.

Nhiều mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất cây trồng, vật nuôi liên tiếp được xây dựng tại các địa phương, đã góp phần khơi thông những khó khăn, vướng mắc của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có những mô hình liên kết liên vùng giữa nông dân Gia Lai với những hệ thống tiêu thụ trên cả nước. Điều này đã mở ra cơ hội để người nông dân dần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất nhằm đáp ứng với nền nông nghiệp theo định hướng hàng hóa.

Ông Trần Văn Dũng, Thành viên HTX Nông nghiệp Đoàn Kết, xã Đông, huyện Kbang, Gia Lai nói: “Làm thì sợ nhất đầu ra có được đầu ra vững chắc thì không lo nữa rồi. Giờ HTX đã liên kết được với siêu thị để cung cấp hàng cho bà con thì chúng tôi rất vui, có thể yên tâm sản xuất, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm”.

 Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đoàn Kết, xã Đông, huyện Kbang, Gia Lai. cho biết: Bước đầu thì HTX cũng gặp khó khăn. Do số lượng không đủ đảm bảo như siêu thị đặt ra. Sắp tới, HTX sẽ giao hàng đủ số lượng và chất lương. Sản phẩm tới đây cũng sẽ mở rông thêm số mặt hàng đăng ký.

Để thuận lợi cho hoạt động liên kết vùng, mở rộng vùng nguyên liệu, tạo ra giá trị hàng hóa lớn trong sản xuất nông nghiệp, hiện nay, các địa phương cũng đang chú trọng đầu tư, xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông. Trong đó, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư từ tỉnh, trung ương và kể cả nguồn vốn vay.

Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều chuỗi liên kết kể cả trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Qua bước đầu thì thấy rất hiệu quả. Để liên kết vùng trong sản xuất thì huyện cũng đang phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án kêu gọi đầu tư xây dựng tuyến đường liên kết vùng nối các xã khoảng 30km để liên kết trong tiêu thụ”.

Hiện nay, toàn tỉnh có 81 HTX nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm với 42 doanh nghiệp; hình thành 201 cánh đồng lớn với khoảng 133.039 ha cây trồng các loại; đã hình thành 13 chuỗi liên kết tiêu biểu trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi với diện tích khoảng 135.000 ha. Trong đó, có sự tham gia với vai trò đầu chuỗi của một số doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO); Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Gia Lai cho biết: “Chúng tôi cũng xác định về liên kết vùng, những cây trồng đó thuộc vùng nào để quy hoạch phát triển. Phát triển theo định hướng, tránh tự phát. Liên kết chuỗi là một chương trình lớn của Sở NN & PTNT. Các chuỗi liên kết, gắn kết các doanh nghiệp đến người dân, đến nơi tiêu thụ, tránh tình trạng sản phẩm làm ra không tiêu thu được. Trong đó, có sự phối hợp với nhiều sở, ngành, đơn vị với nhau”.

Thực hiện có hiệu quả hoạt động kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản sẽ góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, hiệu quả, bền vững với năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Từ đó, từng bước chuyển dịch nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao hệ số sử dụng đất, phát triển sản phẩm chủ lực, nâng cao giá trị nông sản, chuyển đổi hình thức sản xuất quy mô nhỏ sang thâm canh, sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn.

Ngọc Hà – R. Piên – Thanh Sáng


Lượt xem: 22

Trả lời