Lê Sỹ Diện: Người xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của người Bahnar

Cập nhật 17/1/2022, 13:01:16

Tại xã Đê Ar, huyện Mang Yang có khá nhiều sản phẩm đặc trưng gắn với hoạt động sản xuất của bà con Bahnar ở đây. Tuy nhiên, do chưa được định hướng để phát triển nên không nhiều người biết đến những sản phẩm này. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, một thanh niên trong xã đã tìm tòi, nghiên cứu chế biến và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu để các sản phẩm đặc trưng của địa phương đi xa hơn, được nhiều người biết đến hơn. Chúng ta hãy cùng đến với câu chuyện xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương của anh Lê Sỹ Diện, xã Đê Ar, huyện Mang Yang để hiểu thêm về tâm huyết của chàng trai này.

Những mẻ hoa đu đủ đực và ổ qua rừng tươi này vừa được anh Lê Sỹ Diện thu mua của bà con DTTS trên địa bàn xã Đê Ar về. Đây là những nguyên liệu được bà con thu hái từ rừng và vườn nhà, cung cấp cho HTX do anh Diện làm Giám đốc để chế biến thành sản phẩm đồ uống hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Những năm trước đây, khổ qua rừng và hoa đu đủ đực có rất nhiều trên địa bàn xã, nhưng bà con không biết tận dụng khai thác để tạo thành sản phẩm hàng hóa, mang lại thu nhập. Qua tìm hiểu, anh Diện biết được những tác dụng của các sản phẩm này đối với sức khỏe con người cũng như được người tiêu dùng ở nhiều nơi ưa chuộng nên đã tìm tòi, học hỏi cách chế biến để đưa ra thị trường.

Anh Lê Sỹ Diện, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Toàn Diện, xã Đê Ar, huyện Mang Yang, Gia Lai nói: “HTX mới thành lập và đi vào hoạt động nên tất cả các công đoạn làm thủ công hết, do đó các thành viên rất vất vả để cho ra được sản phẩm. Quy trình để sấy được một mẻ hàng mất khoảng 24 tiếng đồng hồ. Làm lò sấy tuy làm thủ công nhưng được cách nhiệt, cách khói nên không để khói bám vào trong sản phẩm”.

Khi nhu cầu của thị trường ngày càng cao cũng như các đơn hàng ngày một nhiều hơn, để đáp ứng được nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, ngoài việc thu mua rải rác của các hộ dân, anh Lê Sỹ Diện và các thành viên trong HTX cũng trồng thí điểm mô hình để người dân học tập. Hiện vùng nguyên liệu của HTX đã đạt khoảng 4 ha và đang tiếp tục nhân rộng trong dân. Vào vụ chính, mỗi ngày HTX có thể sản xuất được khoảng 9 tạ sản phẩm/ ngày. Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm hoa đu đủ đực và khổ qua rừng sấy ngày càng được mở rộng. Giá bán của những sản phẩm này cũng khá cao, khoảng 380 nghìn đồng/kg đối với hoa đu đủ đực và 280 nghìn đồng/kg đối với khổ qua rừng sấy.

Anh Lê Sỹ Diện cho biết thêm: “Sản phẩm làm được 3 năm rồi, rất được ưa chuộng, hàng là hàng dân dụng, không sử dụng hóa chất, không có chất báo quản gì hết, làm theo phương thức thủ công, sản xuất theo hướng dược liệu nên người Việt rất ưa chuộng mặt hàng nào, mình cũng ship hàng đi cả nước, sản phẩm bán quanh năm”.

Trong năm 2021 vừa qua, anh Lê Sỹ Diện đã đưa 2 sản phẩm của HTX tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm của tỉnh và đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Tham gia chương trình, bên cạnh việc đầu tư cho chất lượng, anh Diện cũng đã được địa phương hỗ trợ các thủ tục xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm để hoàn thiện hơn các sản phẩm của mình, góp phần tăng thêm niềm tin của người tiêu dùng và cũng là tiền đề để sản phẩm của người Bahnar vươn xa hơn trên thị trường.

Ông Trần Thanh Vọng, Thành viên tổ tư vấn Chương trình OCOP huyện Mang Yang cho biết: “Riêng sản phẩm của HTX Toàn Diện này huyện và tỉnh rất tâm đắc, vì nó là sản phẩm đặc trưng của địa phương và gần như nguồn tiêu thụ rất cao. Mà ở đây anh em bà con đã làm mấy năm nay để phát triển hoàn thiện sản phẩm. Chương trình đã hỗ trợ cho HTX để phát triển sản phẩm từ bao bì, nhãn mác, các chi phí đưa ra thị trường. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, mã vạch, mã code, kể cả nguồn nước để rửa sản phẩm cũng được kiểm định. Tin tưởng rằng những sản phẩm này sang năm có thể nâng cấp được lên 4 sao”.

Gắn bó với vùng đất khó Đê Ar và bà con người Barnah ở đây trong thời gian dài, anh Lê Sỹ Diện nhận thấy được nhiều tiềm năng có thể khai thác để góp phần nâng cao thu nhập cho bà con ngoài các loại cây trồng truyền thống. Không dừng lại ở khổ qua rừng, hoa đu đủ đực, anh đang hướng đến phát triển nhiều sản phẩm khác cho bà con như măng rừng, sâm bố chính…Với nhiệt huyết cùng sự chăm chỉ tìm tòi, học hỏi của tuổi trẻ, hy vọng anh Lê Sỹ Diện có thể mở ra thêm được nhiều hướng đi mới giúp cho bà con DTTS ở đây mở ra được những hướng đi mới để cải thiện kinh tế và đời sống.

Ngọc Hà, Phi Long


Lượt xem: 129

Trả lời