Lễ động thổ xây dựng Nhà máy điện gió phát triển miền núi và chế biến Tây Nguyên

Cập nhật 24/9/2020, 18:09:55

Sáng ngày 24-9, tại xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, 2 dự án Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi và Nhà máy Điện gió Chế biến Tây Nguyên đã chính thức được động thổ. Đây là những công trình nhằm thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 sẽ diễn ra từ ngày 27 – 30.9 tới đây. Các đồng chí Hồ Văn Niên, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến chúc mừng và thực hiện nghi thức động thổ.

Dự án Nhà máy Điện gió chế biến Tây Nguyên do Công ty TNHH kinh doanh chế biến Tây Nguyên làm chủ đầu tư có vùng hiệu suất gió 464 ha và dự án Nhà máy Điện gió phát triển miền núi do Công ty Cổ phần Kinh doanh phát triển miền núi Gia Lai làm chủ đầu tư có vùng hiệu suất gió 654 ha.  Hai dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 3.600 tỷ đồng, mỗi dự án có công suất 50MW. Dự kiến, hai nhà máy có tổng sản lượng điện hơn 319,5 triệu kW/năm; doanh thu hơn 627,6 tỷ đồng/năm; nộp ngân sách nhà nước hơn 125 tỷ đồng/năm.Theo tính toán của nhà đầu tư, khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển mà còn có tiềm năng để kết nối phát triển du lịch tại vùng thực hiện dự  án.

Bà Nguyễn Thị Sen, Chủ đầu tư dự án Nhà máy Điện gió phát triển miền núi cho biết: “Thông qua việc đầu tư vào điện gió, chúng tôi mong muốn sẽ góp phần tạo thêm nguồn năng lượng xanh phục vụ cho tăng trưởng kinh tế và sinh hoạt của người dân. Điện gió cũng sẽ góp phần thu hút khách du lịch vì toàn cảnh công trình rất hấp dẫn mà trước đây chỉ thấy ở nước ngoài hoặc trên phim ảnh. Cùng với các công trình năng lượng tái tạo khác sẽ tô điểm diện mạo của Gia Lai, vốn đã đẹp nay càng tươi đẹp hơn”.

Thuận lợi của hai dự án Nhà máy Điện gió phát triển Miền núi và Nhà máy Điện gió chế biến Tây Nguyên là: Đất đai bằng phẳng, không thuộc diện giải tỏa đền bù, đồng thời được xây dựng tại khu vực sức gió mạnh, vượt so với tiêu chuẩn theo quy định, nhà đầu tư có tiềm lực. Ngoài ra, hai dự án được xây dựng gần lưới điện hiện có và quy hoạch trong tương lai nên thuận lợi đấu nối nhà máy vào hệ thống điện quốc gia. Dựa trên các đánh giá tiềm năng, lợi thế của tỉnh Gia Lai về phát triển nguồn năng lượng tái tạo, trong chuyến thị sát vào tháng 2-2020, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự năng động của tỉnh Gia Lai về kêu gọi thu hút đầu tư các dự án phát triển năng lượng tái tạo cũng như công tác chuẩn bị của nhà đầu tư và cho rằng hai dự án Nhà máy Điện gió chế biến Tây Nguyên và Nhà máy Điện gió phát triển miền núi có tính khả thi cao.

Phát biểu tại lễ động thổ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho biết, việc khởi công hai dự án Nhà máy Điện gió chế biến Tây Nguyên và Nhà máy Điện gió phát triển miền núi chính là sự đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ về công nghiệp năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Võ Ngọc Thành chúc mừng và ghi nhận sự nỗ lực của các chủ đầu tư trong việc xúc tiến triển khai nhanh hai dự án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch.

Đồng chí Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu: “Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có trên 100 dự án về điện gió và điện mặt trời với tổng công suất khoảng trên 25 ngàn MW. Giai đoạn 1 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 15 dự án với tổng công suất là 1.242,4MW. Hai dự án động thổ hôm nay là dự án thứ 3 được triển khai , các dự án còn lại đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục. Ngoài 3 dự án đã được triển khai thi công, các dự án còn lại trong tổng số 15 dự án đã được Thủ tướng Chí phủ phê duyệt sẽ tiếp tục được động thổ và khởi công. Nếu được động thổ và khởi công thì dự tính tổng vốn đầu tư của 15 dự án này là 45 ngàn tỷ đồng. Đây là những dự án rất quan trọng, góp phần rất lớn về việc cung cấp nguồn năng lượng sạch cho quốc gia, cho tỉnh cũng như góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh trước mắt cũng như tương lai. Ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các chủ đầu tư của hai dự án đã cố gắng hết sức trong thời gian ngắn nhất để triển khai xây dựng các nhà máy để sớm hòa vào lưới điện quốc gia đúng tiến độ. Đề nghị các ban, ngành của tỉnh và địa phương nơi triển khai dự án sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, đảm bảo an ninh trật tự để hai nhà máy điện gió được xây dựng và hoàn thành trong thời gian nhanh nhất. Chúng ta sẽ sớm đón những dòng điện đầu tiên từ nhà máy điện gió hòa vào lưới điện quốc gia”.

Với sự nỗ lực của nhà đầu tư cùng sự quan tâm của tỉnh, tin rằng hai dự án Nhà máy Điện gió phát triển Miền núi và Nhà máy Điện gió chế biến Tây Nguyên sẽ sớm hòa vào lưới điện quốc gia. Và cùng với các dự án khác sẽ tạo ra những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng Gia Lai trở thành cứ địa về phát triển năng lượng tái tạo, góp phần tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh thời gian tới.

Hồng Uyên, R’Piên


Lượt xem: 236

Trả lời