Lặng thầm những nữ giáo viên vùng khó

Cập nhật 18/11/2017, 14:11:07

Công tác tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn với các giáo viên nam đã khó, đối với nữ giáo viên thì lại càng vất vả. Thế nhưng vượt qua những khoảng cách về địa lý, xa gia đình, nhiều nữ giáo viên đã đến với học trò vùng khó bằng cả tấm lòng yêu thương, tận tâm, tận lực cống hiến công sức để gieo chữ cho học sinh với một mong ước lớn nhất là giúp các em biết chữ và bớt khổ. Câu chuyện về những nữ giáo viên hiện công tác tại Trường PTDT bán trú THCS Đak Rong-ngôi trường nằm ở xã đặc biệt khó khăn của huyện Kbang mà chúng tôi muốn chia sẻ là một điển hình.

Trong số những nữ giáo viên gắn bó với Trường PTDT bán trú THCS Đak Rong, cô giáo Triệu Thị Bích Vân là người có thời gian gắn bó lâu nhất với hơn 10 năm trong nghề. Chừng ấy thời gian công tác, cô giáo Vân đã có biết bao kỷ niệm với đất và người nơi vùng khó này và càng gắn bó cô càng thương cảm, sẻ chia với những khó khăn, thiệt thòi của học sinh nghèo nơi đây.

Cô  Vân chia sẻ: Có kỷ niệm tối mình đi ngã mấy lần luôn, trời tối tủi thân khóc nhưng đến làng thấy hoàn cảnh các em như vậy thấy thương, thấy quãng đường mình đi vất vả nhưng mỗi lần các em xuống học con chữ thì càng thật sự khó khăn, vất vả. Vì học sinh khó khăn nên mình đồng cảm, từ đồng cảm tự nhiên và mình thấy công tác vận động học sinh nó cũng dễ hơn, mình quan tâm chăm sóc các em còn hơn bố mẹ”.

Suy nghĩ của cô giáo Vân cũng chính là suy nghĩ của các nữ giáo viên hiện công tác tại Trường PTDT bán trú THCS Đak Rong. Dù điều kiện đi lại, sinh hoạt, giảng dạy còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng nhiều nữ giáo viên đã lặng thầm đóng góp công sức cho sự nghiệp giáo dục ở vùng khó. Và để hoàn thành tốt công việc gieo chữ, giúp học sinh đọc thông viết thạo, thêm yêu thích trường lớp, những nữ giáo viên đành chấp nhận xa chồng, xa con, xa gia đình để thêm yên tâm công tácvà tận lực cống hiến cho sự nghiệp trồng Người nơi vùng đặc biệt khó khăn.

Cô giáo Vũ Thị Thúy-Trường PTDT bán trú THCS Đak Rong, huyện Kbang cho biết: “Thường thường cuối tuần thứ 7 đi vận động học sinh ra lớp để thứ 2 các em ra lớp đầy đủ vì các em cũng không tự giác ra lớp. Con em còn nhỏ, chưa đầy một tuổi em gửi cho bà nội để em yên tâm công tác, thăm con nhiều lúc cũng khó khăn quá nên không thăm thường xuyên được, khi nào lễ tết, nghỉ tranh thủ có điều kiện thì về thăm con”.

Sẽ khó nói hết những cống hiến, thậm chí là sự thầm lặng hy sinh công sức của những thầy cô giáo nói chung và những nữ giáo viên nơi vùng khó của tỉnh Gia Lai nói riêng. Với những tâm huyết với nghề gieo chữ trồng Người, niềm vui và món quà lớn nhất của các thầy cô chính là việc học sinh đi học đều đặn, không phải dang dở chuyện học hành và  mỗi năm tháng qua đi, nhiều học sinh nghèo người DTTS thêm trưởng thành, cuộc sống của học sinh và người dân sẽ bớt đi những nhọc nhằn…/.

 

Thiên Thanh-Kim Châu -Minh Trí

 


Lượt xem: 61

Trả lời