Làm giàu trên vùng biên giới

Cập nhật 04/1/2017, 13:01:14

Dám nghĩ, dám làm và điều quan trọng là vượt qua được những thất bại trong cuộc sống; từ hai bàn tay trắng khi vào Gia Lai lập nghiệp vào năm 2001, đến nay với mô hình kinh tế tổng hợp với nguồn thu là niềm mơ ước của nhiều người ở xã biên giới Ia Lâu của gia đình anh Phạm Thành Trung đã và đang góp phần vẽ lên bức tranh về sự trù phú, sung túc trên vùng biên giới Chư Prông của tỉnh Gia Lai.

Hiện tại, 1.500 con vịt nuôi đẻ trứng, còn vào thời điểm thu hoạch lúa đồng thêm khoảng gần 10.000 con vịt nuôi bán thịt, trang trại vịt của gia đình anh Phạm Thành Trung ở thôn Bắc Pó được xem là lớn nhất trên cả vùng biên giới Ia Lâu, huyện Chư Prông. Thời gian đầu từ Hưng Yên vào Gia Lai lập nghiệp, cả hai vợ chồng làm thuê làm mướn nhưng rồi cũng không đủ ăn; và chính trong cái khó ấy lại lóe lên trong anh ý tưởng về nuôi vịt khi thấy các nơi người ta đưa vịt về xã này chạy đồng mỗi mùa thu hoạch lúa. Trời như không phụ công người, bao nhiêu công sức đổ ra rồi cũng gặt kết quả, đàn vịt của gia đình từ vài trăm con ban đầu phát triển dần lên 1.000 con rồi đến 2.000 con. Thu nhập từ nuôi vịt cũng ngày càng tăng nên gia đình anh quyết định đầu tư phát triển đàn lên với số lượng 4.800 con vào năm 2008; tuy nhiên đây cũng là năm anh trở nên trắng

Anh Trung cho biết: “Chưa biết kinh nghiệm, thấy 2 năm đầu làm được thì ôm đồm vào, tự nhiên thuê người chăm sóc cho mình rồi không được như mình thì phải chấp nhận; rồi mất trắng luôn trận đó vào khoảng 150 triệu đồng”.

Không cam chịu thất bại, anh quyết tâm làm lại từ đầu dù mọi thứ lúc này với anh là con số “0”. Tìm tòi, học hỏi thêm kinh nghiệm từ người thân bên tỉnh Đăk Lăk cũng như một số bạn bè xã Biển Hồ (TP.Pleiku), anh tiếp tục gầy dựng lại đàn vịt nuôi. Chú trọng hơn về kỹ thuật, đồng thời cũng tự mình chăm sóc, không thuê mướn người làm để đảm bảo không đi vào vết xe đổ như lần thất bại trước đó, đàn vịt nuôi lấy trứng với 1.500 con của gia đình anh hiện mỗi ngày cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng tiền bán trứng. Có nguồn thu ổn định từ nuôi vịt, anh lại có vốn để đầu tư thêm vào những thứ khác như: trồng cam, quýt, bưởi, thanh long, nuôi cá, nuôi heo và trong dự định sắp tới anh sẽ nuôi thêm ba ba.

Anh Phạm Thành Trung chia sẻ:  Mình coi như không đại trà 1 thứ gì hết, toàn bộ cây ăn trái chứ không đi theo tiêu, điều, cà gì cả. Ở vùng này cây ăn trái thì coi như mình đầu tiên. Nói chung cuộc sống bây giờ thì nó gấp bao nhiêu lần ngày xưa . Sang năm mới thì mình cũng như mọi người, chỉ mong làm sao khỏe mạnh, an vui, làm ăn tấn tới.

Trong cái khó ló cái khôn và sau mỗi lần thất bại sẽ giúp có thêm nhiều kinh nghiệm quý. Suy nghĩ đó đã giúp anh có được thành công như hiện tại. Một mô hình kinh tế tổng hợp trên vùng biên giới Ia Lâu (huyện Chư Prông) như những gì gia đình anh Trung đang làm và đang có chính là kết quả cho sự cần cù, chịu khó, quyết tâm không lùi bước trước thất bại. Và có lẽ câu chuyện làm giàu trên vùng biên giới Chư Prông sẽ không còn là thứ gì đó quá xa nữa mà sẽ ngày càng có thêm nhiều những “nông dân tỷ phú” trên vùng biên giới của tỉnh ./.

Mỹ Tiến – Thu Thủy- R’Piên

 


Lượt xem: 94

Trả lời