Làm cầu tạm bắc qua sông Ba

Cập nhật 30/3/2014, 09:03:33

Nhiều người dân trên địa bàn huyện Krôngpa đã có sáng kiến cùng đóng góp ngày công lao động và kinh phí để làm một số cây cầu tạm bắc qua sông Ba nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, làm ăn và phát triển kinh tế cho nhân dân trên điạ bàn. Đây là việc làm thiết thực thể hiện cộng đồng trách nhiệm cao, rất đáng hoanh nghênh.

 

Người dân Krông Pa tự bắc cầu tạm qua sông Ba.

 

Lâu nay vào mùa mưa, người dân ở hai bên sông Ba tại địa bàn huyện Krôngpa mỗi khi đi qua lại đều phải đi bằng thuyền tại một số bến đò ngang. Nhưng vào mùa khô, sông Ba cạn nước nên thuyền không thể hoạt động được thì việc đi lại của người dân trong vùng gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại, phải đi đường vòng hàng chục cây số. Trước thực trạng đó,  ngay từ đầu mùa khô năm nay, nhiều người dân sinh sống gần các bến đò này đã có sáng kiến là cùng đóng góp ngày công lao động và kinh phí để mua cây, ván và một số vật liệu khác làm một số cây cầu tạm bắc qua sông Ba. Theo ông Rơ Ô Hin- một trong những người tham gia làm cây cầu tạm tại bến đò xã Phú Cần- IaRMok thì cây cầu có chiều dài gần 300m, nhiều người cùng làm liên tục trong 2 tuần với mục đích chính không phải vì kinh tế mà để phục vụ nhân dân.

 

Trao đổi với chúng tôi ông Rơ Ô Hin- xã IaRmok, huyện Krôngpa cho biết: Thấy nhân dân đi lại khó khăn và trắc trở quá, chúng tôi cùng đóng góp tiền và ngày công lao động để phục vụ nhân dân. Từ khi có cây cầu tạm này nhân dân đi lại thuận lợi lắm, chúng tôi rất phấn khởi.

 

Đã có 5 cây cầu tạm được làm nằm ở dọc sông Ba thuộc địa bàn huyện Krôngpa, chiều dài mỗi cây cầu từ 250m đến 300m, chiều rộng gần 2m. Tổng kinh phí làm mỗi cây cầu tạm khoảng 100 triệu đồng. Tại hai đầu mỗi cây cầu, những người có đóng góp làm cầu lập điểm thu tiền, thu mỗi lượt người cùng xe máy qua cầu từ 5.000 đến 10.000 đồng, còn người đi bộ thì miễn phí. Số tiền thu được chủ yếu để bù lại khoảng chi phí làm cầu. Trong khi mỏi mòn chờ xây dựng xong cây cầu kiên cố bắc qua sông Ba thì có các cây cầu tạm này nhân dân trên địa bàn rất phấn khởi.

Trò chuyện với chị Lê Thị Hảnh- huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, chị nói: Trước đây chưa có cầu tạm thì việc đi lại rất khó khăn, cực nhọc và mất rất nhiều thời gian, giờ có cầu tạm nên đi lại rất thuận lợi, không còn cảnh chờ đợi đò và đi trên đò rất nguy hiểm nữa.

                                                                                                   

Tuy nhiên, đây là những cây cầu tạm, làm không kiên cố, hơn nữa có thời điểm nhiều người và xe máy cùng chen chúc trên cầu, trong đó có nhiều xe máy chở nặng và cồng kềnh nên các ngành chức năng và chính quyền địa phương phải luôn quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn cho người và phương tiện mỗi khi lưu thông.

 

Trao đổi về vấn đề này ông Nay Phoan- Phó Chủ tịch UBND xã IaRMok, huyện Krôngpa cho biết: Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại cây cầu này thì xã chúng tôi thường xuyên cử lực lượng công an và dân quân xã đến cầu để kiểm tra, chỗ này ván bị hư hỏng thì đề nghị chủ làm cầu làm lại để đảm bảo an toàn cho bà con….               

 

Chính quyền địa phương cần làm tốt công tác quản lý các cây cầu tạm.

 

Nhiều người dân ở đây có sáng kiến cùng đóng góp kinh phí và ngày công lao động xây dựng các cây cầu tạm này để tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, làm ăn của nhân dân là việc làm rất thiết thực, đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên vấn đề đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại trên các cây cầu tạm này là điều các ngành chức năng và chính quyền địa phương phải luôn quan tâm để không xảy ra những điều đáng tiếc.

Hà Đức- R’Piên


Lượt xem: 71

Trả lời