Kỳ họp thứ Mười lăm HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng

Cập nhật 07/12/2023, 11:12:05

Hôm nay (ngày 7/12), Kỳ họp thứ Mười lăm, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) bước vào ngày làm việc thứ 2. Trong buổi sáng, Kỳ họp đã tiến hành thảo luận tổ. Trong đó, nhiều vấn đề quan trọng của tỉnh và những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ ở các ngành, địa phương cũng như các vấn đề được cử tri, Nhân dân trên địa bàn tỉnh quan tâm đã được các đại biểu đề cập và đề xuất các giải pháp để giải quyết trong phần thảo luận.

Thảo luận tại tổ trong sáng nay, các đại biểu tại 5 tổ đã phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp khắc phục trên các lĩnh vực. Trong đó, các đại biểu đều đánh giá cao vai trò của Thường trực HĐND tỉnh và HĐND tỉnh trong năm qua tiếp tục có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động; đặc biệt là trong hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri. Cùng với đó, các đại biểu cũng đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong năm qua. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, song tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực với 14/21 chỉ tiêu về kinh tế – xã hội đạt và vượt nghị quyết đề ra. Trong đó, có nhiều chỉ tiêu quan trọng tăng so với năm 2022, như: giá trị sản xuất lĩnh vực nông – lâm nghiệp – thủy sản, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu,  tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đặc biệt, lĩnh vực văn hóa – thể thao – du lịch có bước tăng trưởng cao; nhất là  du lịch tăng cao về lượng khách với hơn 1,1 triệu lượt khách và tổng doanh thu ước đạt 750 tỷ đồng, vượt hơn 7% kế hoạch và tăng 20,9% so với năm 2022. Trong phần thảo luận, các đại biểu cũng đã kiến nghị nhiều giải pháp để khắc phục những tồn tại hạn chế; nhất là đối với 7 chỉ tiêu chính không đạt nhằm đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2024.

Đại biểu Nguyễn Trung Kiên – Phó trưởng Ban KT-NS, HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Đak Đoa đề nghị: “Đối với một số chỉ tiêu chưa đạt, đề nghị UBND tỉnh cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành để thực hiện nhiệm vụ của năm 2024 đạt hơn, các địa phương cũng tăng cường trong thực hiện nhiệm vụ. Đề nghị các chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu liên quan đến cả nhiệm kỳ cần có sự tính toán sát sao hơn nữa. Đề nghị cần rút kinh nghiệm trong hoàn thiện các thủ tục đầu tư công để trình HĐND tỉnh xem xét đảm bảo thời gian. Tích cực chỉ đạo các địa phương, các đơn vị trong nộp thủ tục quyết toán đúng quy định…”

Qua thảo luận, vấn đề phân bổ dự toán ngân sách được nhiều đại biểu quan tâm đề cập, kiến nghị. Theo đó, các đại biểu cho rằng trên cơ sở ngân sách phân bổ các địa phương đã xây dựng dự toán chi hằng năm và đối với nguồn kết dư đã có phương án chi cụ thể nên rất khó bố trí kinh phí để đối ứng trong thực hiện các  chương trình, dự án và chi cho đội ngũ cán bộ thôn, làng; nhất là đối với những huyện nghèo, không có nguồn tăng thu. Do đó, kiến nghị UBND tỉnh nên xét xét trong phân bổ dự toán và cân đối tỷ lệ đối ứng cho từng địa phương.

Đại biểu Phan Văn Trung – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kông Chro, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Kông Chro nêu: “Qua dự kiến năm 2024 riêng trên địa bàn chúng tôi thôi thế thì thực hiện 136, nếu như xác định theo đề nghị dự kiến của tỉnh là 30, 70; thế thì huyện thực hiện 70, tỉnh thực hiện 30. Nhưng thực chất 30 này của tỉnh là nguồn ngân sách Trung ương cấp chứ không phải tỉnh xuất ra. Thế thì chúng tôi phải bỏ ra 13 tỷ nữa, bù cả nghị quyết 285 là 4 tỷ nữa; thế thì riêng địa bàn chúng tôi năm 2024 phải bù 17 tỷ, trong khi nguồn thu chúng tôi mỗi năm khoảng 20 tỷ, chi thì tỉnh tính định mức rồi, vùng nào, dân số bao nhiêu…Thế thì chúng tôi lấy đâu ra để bù 17 tỷ này. Đây là khó khăn không chỉ ở Kông Chro mà còn là ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.”

Ông Nguyễn Anh Dũng  – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính Gia Lai phát biểu: “Năm 2024 chúng tôi dự kiến phân cấp cho tỉnh, thứ nhất là tăng 1% bổ sung cân đối cho ngân sách cấp huyện, thị xã, thành phố là 63 tỷ 092 triệu đồng ngoài dự kiến đảm bảo 30%. Hai nữa là đảm bảo 30% là 61 tỷ 149 triệu đồng. Thưa các đồng chí là chúng tôi phân bổ tăng 1% cân đối cho các huyện, thị xã, thành phố; ví dụ như Pleiku là 4 tỷ 381 triệu đồng và các huyện, thị xã khác lần lượt căn cứ trên mức đó thì ngoài 30% là hơn 61 tỷ cộng với hơn 63 tỷ để chúng ta bổ sung cho ngân sách cho các địa phương để cân đối.

Cũng liên quan đến việc phân bổ dự toán ngân sách, các đại biểu kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến với Trung ương để phân bổ kinh phí nhằm đảm bảo thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2024.

Đại biểu Phạm Văn Lượng – Trưởng phòng TC-KH huyện Phú Thiện, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Phú Thiện đề nghị: “Huyện Phú Thiện và nhiều địa phương khác thì các nguồn thu hằng năm rất là thấp; đối với các nguồn kết dư từ các năm trước thì đã chi và phần còn lại thì cũng đã có phương án chi nên không thể bố trí kinh phí để cân đối khi triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và chi chế độ chính sách. Do đó, chúng tôi cũng đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn và bố trí nguồn để cho các địa phương thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2024.”

Cùng với đó, vấn đề chế độ, chính sách cho đội ngũ y tế cũng được nhiều đại biểu quan tâm đề cập. Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng cần bố trí nguồn lực đầu tư về hạ tầng cơ sở y tế và thay đổi chính sách để thu hút nguồn lực y tế trình độ cao nhằm đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Đại biểu Trương Văn Đạt – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Phú Thiện kiến nghị: “Hiện nay cơ chế tự chủ của các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh chưa phù hợp; thêm vào đó chính sách thấp, áp lực cao nên ngành Y tế đang gặp nhiều khó khăn. Có đơn vị nợ lương nhân viên từ 2 đến 3 tháng. Do đó, tôi kiến nghị UBND tỉnh một mặt sớm hoàn thành đề án phát triển ngành y tế để đảm bảo hoạt động thì quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở cho những nơi còn thiếu; đồng thời kiến nghị Trung ương thay đổi chính sách để thu hút nguồn nhân lực cho ngành Y tế để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.”

Cùng với đó, các đại biểu cũng kiến nghị cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp nhằm góp phần tăng thu ngân sách; sớm ban hành chính sách mới về hỗ trợ trồng rừng để thu hút người dân tham gia. Những bất cập trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là đối với Chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng được các đại biểu đề cập cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

Theo chương trình, chiều nay, Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XII sẽ tiến hành thảo luận chung tại Hội trường và tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Đài PT-TH Gia Lai sẽ tường thuật trực tiếp phần thảo luận chung tại Hội trường và phiên chất vấn, trả lời chất vấn để phục vụ cử tri và Nhân dân; đồng thời, sẽ phản ánh chi tiết trong các Chương trình Thời sự sau./.

Đức Hải – Đoàn Bình – Viễn Khánh – R’Piên – Ksor Tuối

 


Lượt xem: 21

Trả lời