Krông Pa – Người chăn nuôi gà gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm

Cập nhật 09/9/2021, 11:09:10

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhất là hiện nay khi thị trấn Phú Túc đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều hộ chăn nuôi gà trên địa bàn huyện Krông Pa đang gặp khó khăn khi không có đầu ra và giá thành lại giảm, nhất là đối với những hộ chăn nuôi quy mô lớn. Các hộ dân mong muốn cấp có thẩm quyền quan tâm, hỗ trợ tìm đầu ra để giúp người dân khắc phục khó khăn, khôi phục chăn nuôi.

     

 Trang trại gà của gia đình bà Huyền có quy mô mỗi lứa khoảng 30.000 con. Đây là trang trại gà lớn nhất ở huyện Krông Pa được nuôi theo mô hình nông nghiệp kết hợp điện mặt trời áp mái. Hiện đang nuôi 2 lứa gà với 5.000 con được 120 ngày tuổi và 25.000 con 50 ngày tuổi. Dù gà đã đạt trọng lượng nhưng gia đình bà Huyền không xuất bán được vì phần lớn lượng gà thịt đều được tiêu thụ qua kênh nhà hàng, đám tiệc, song từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư thì lượng tiêu thụ giảm mạnh và giá bán cũng giảm theo.

Bà Nguyễn Thị Mộng Huyền, Buôn Blang, xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa cho biết: “Chúng tôi chưa bán được bởi vì thương lái đang mua giá rất thấp, thị trường đang thu mua 47.000 đồng/ kg. Như vậy chúng tôi đã lỗ 1 kg là 8.000 đồng, giá thành chúng tôi hiện nay 55.000-57.000 đồng/kg bởi vì giá cám đang lên và lên so với giá bình thường là 30-40%. Sắp tới chúng tôi xuất chuồng 25.000 con nữa nhưng không có đầu ra”.

Theo tính toán của những nông dân nuôi gà, mỗi lứa gà thịt nuôi khoảng 3 tháng đạt trọng lượng từ 1,5 đến 2 kg/con là có thể xuất bán. Nhưng nếu phải nuôi kéo dài thì trọng lượng tăng thêm không đáng kể, mà lượng thức ăn tiêu tốn nhiều.  Bình quân 1 tháng tiền thức ăn cho 1.000 con gà trưởng thành khoảng 15 triệu đồng. Nhiều nông dân nuôi gà đang tìm mọi cách để duy trì hoạt động sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm gà thịt, song cũng không mấy khả quan.

Bà Huyền nói: “Tôi cũng mong các ban ngành của huyện, tỉnh hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có niềm tin ổn định và để tái đàn. Với cái giá thành này chúng tôi không thể tái đàn được do một tháng chúng tôi cho tiền ăn của hai đàn là hơn 500 triệu đồng thì chúng tôi thu hoạch như vậy sẽ lỗ rất nặng”.

Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Krông Pa cho biết: “Cơ quan chuyên môn chúng tôi cũng mong muốn có sự hỗ trợ của các đơn vị sở, ngành của tỉnh Gia Lai cũng như các đơn vị có thông tin để góp phần tiêu thụ giải cứu tình hình chăn nuôi gà trên địa bàn huyện’.

Vừa qua, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nông sản và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong tình hình dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, các ngành chức năng sẽ phối hợp, rà soát và kết nối cung – cầu để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân và doanh nghiệp./.

Đức Hải,  CTV Sơn Trung (Huyện Krông Pa)


Lượt xem: 210

Trả lời