Không muốn học sinh bỏ học- Giáo viên phải quên đi khó khăn

Cập nhật 25/11/2020, 10:11:07

Làm thế nào để các em học sinh vùng khó yêu trường, yêu lớp và không phải bỏ học giữa chừng. Đó là trăn trở của rất nhiều giáo viên đã và đang công tác ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Vì thế, các thầy cô giáo ở đây luôn tâm niệm muốn nâng cao chất lượng học tập của các em thì trước hết bản thân mỗi giáo viên phải có chiêu giữ chân học trò và quên đi những khó khăn trước mắt để cuộc hành trình “gieo chữ” nơi vùng khó gặt hái được nhiều “quả ngọt”.

Học sinh thiếu bút, thiếu sách vở,… đều được các thầy cô giáo trích tiền lương hàng tháng của mình để mua cho các em. Bởi chỉ cần một lý do như thế nhưng nếu giáo viên không nắm bắt và quan tâm kịp thời thì ngay lập tức các em sẽ nghỉ học. Thậm chí những giấy tờ cần thiết để các em được hưởng mọi chế độ ưu tiên theo quy định của nhà nước thì thầy, cô giáo nơi vùng khó cũng phải thay cha mẹ đi làm cho các em.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Phượng, huyện Chư Sê nói: “Khó khăn nhất của giáo viên vùng 3 ở đây đó là vận động học sinh đến trường, làm giấy tờ cho học sinh và làm chế độ ăn trưa, chi phí học tập cho các em. Hầu như là phụ huynh nhận thức của họ còn kém cho nên giấy tờ họ không có đầy đủ như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu nhập khẩu cho con họ”.

Nếu như việc duy trì sĩ số học sinh ở các trường thuận lợi là điều không đáng bàn vì hầu hết ý thức học tập của các em rất cao thì đối với một lớp học ở vùng sâu, vùng xa thì đó là cả một quá trình  nỗ lực của cả thầy và trò. Sự quan tâm ấy không chỉ đòi hỏi ở góc độ thầy, cô truyền đạt đủ kiến thức cho học sinh ở trên lớp mà đôi khi đó còn là sự thấu hiểu, sẻ chia hoàn cảnh của từng em.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thăng, Trường THCS Lê Quý Đôn, huyện Krông Pa bày tỏ: “Nếu như chỉ nhìn các em đến lớp chúng ta rất khó thấy được hoàn cảnh mà chúng ta đi vào thực tế gia đình các em, nhìn bữa cơm các em ăn cùng với việc các em đi làm với bố mẹ thì chúng ta mới hiểu hết được hoàn cảnh của từng em”.

Khi nói về thầy giáo của mình, em Võ Phúc Gia An, Học sinh lớp 8A Trường THCS Lê Quý Đôn, huyện Krông Pa bày tỏ: “Trong quá trình gắn bó với thầy Thăng em mới nhận ra sự tận tâm của một nhà giáo thật là vĩ đại, cũng chính vì thế em mới có động lực để vươn lên đạt được những kết quả tốt nhất”.

Thành công lớn nhất của các thầy cô giáo đang công tác ở vùng khó đó là giữ chân học trò. Hạnh phúc ấy còn lớn lao hơn khi các em vươn lên hoàn cảnh và đạt thành tích cao trong học tập.

Để những giờ học trên lớp, những tiết dạy học miễn phí cho học trò nghèo nơi vùng khó hôm nay tiếp tục ngân lên lời bài hát “Người thầy” với những câu từ dìu dặt như nhắc nhở các thế hệ học trò hãy luôn ghi nhớ công ơn thầy, cô – những người đã âm thầm, lặng lẽ đưa nhiều chuyến đò sang sông.

Người thầy vẫn lặng lẽ đi về dưới mưa
Dòng đời từng ngày qua êm đềm trôi mãi
Chiều trên phố bao người đón đưa
Dòng sông vắng bây giờ gió mưa
Còn ai nhớ, ai quên con đò xưa?

Lệ Xuân,  Minh Trung


Lượt xem: 44

Trả lời