Khởi sắc nông nghiệp Đak Pơ

Cập nhật 20/1/2023, 06:01:46

Lĩnh vực nông nghiệp của Gia Lai liên tục gặt hái nhiều kết quả đáng phấn khởi. Tại huyện Đak Pơ, triển khai thực hiện chủ trương chung của tỉnh về việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các chuỗi sản xuất – tiêu thụ nông sản đã mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Bà con càng phấn khởi mỗi khi tết đến xuân về.

Với những nỗ lực không ngừng, thời gian qua huyện Đak Pơ đã triển khai nhiều mô hình như cánh đồng mía lớn, canh tác lúa cải tiến, rau sạch, trồng sắn HN3, HN5… Hàng năm, huyện gieo trồng hơn 1.000 ha lúa nước với các giống như: ĐV108, ML48, TH85, Khang Dân 18, Hương Thơm 1… Nhằm bổ sung những giống lúa có năng suất, chất lượng vào cơ cấu giống, trong 3 năm (2020-2022), huyện Đak Pơ đã phân bổ hơn 3,7 tỷ đồng cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai Đề án đưa giống lúa mới vào sản xuất; theo đó đã đưa giống An Sinh 1399, giống BĐR57, BĐR 579 vào sản xuất. Các giống lúa mới đều mang lại năng suất và chất lượng cao hơn so với các giống lúa cũ.

Anh Đinh Oeng, Làng Jun, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ nói: “Giống BĐR579 thấy nó rất hiệu quả hơn 108 bà còn thường làm. Làm gì làm, biết chuyển đổi cây trồng thì bà con rất là mừng.”

Năm 2022, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ cũng đưa giống sắn HN3, HN5 vào trồng khảo nghiệm ở thôn An Quý, xã Phú An đang tiến triển tốt.

Ông Trần Vũ – Thôn An Quý, xã Phú An, huyện Đak Pơ cho biết: “Nhà máy cũng đưa xuống hai giống HN3, HN5 thì cũng trồng một lúc luôn thấy phát triển rất ổn định. Vừa rồi nhổ lên mấy bụi, mới hơn 6 tháng thôi nhưng năng suất cũng rất cao”.

Ngoài việc sử dụng các loại giống mới vào sản xuất, nông dân huyện Đak Pơ cũng thay đổi cách sản xuất truyền thống như trồng rau trong nhà lồng, trồng rau thủy canh… Rau giống cung cấp thị trường ngày càng chất lượng hơn. Điển hình như hộ anh Phạm Thành Công với mô hình trồng rau trong nhà lồng, cung cấp cây  giống cho bà con trong vùng; bình quân mỗi năm trừ chi phí, thu được 250 triệu đồng.

Anh Phạm Thành Công – Thôn Tân phong, xã Tân An, huyện Đak Pơ  cho biết: “Lúc đầu mình không biết, học hỏi anh em, bạn bè, bà con nông dân ở đây, mình làm nhà lồng. Lúc đầu cũng khó khăn về vật chất, chuyên môn cũng không hiểu, rồi dần dần mình cũng học hỏi, bạn bè, đến nay tạm ổn cho gia đình”.

Để ngành nông nghiệp địa phương ngày càng phát triển bền vững, các nghị quyết của Huyện ủy Đak Pơ đã bám sát thực tiễn, đề ra chủ trương phát triển sản xuất theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân. Kêu gọi xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như: giao thông, thủy lợi nội đồng, thủy lợi nhỏ… Mặt khác, liên kết, liên doanh trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Điều dễ nhận thấy là hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” đã dần ít xuất hiện trên đồng ruộng, thay vào đó là các loại máy móc cơ giới hiện đại, góp phần thay đổi không nhỏ cơ cấu lao động địa phương.

Ông Huỳnh Văn Hơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ cho biết thêm: “Hiện nay vấn đề liên kết bền vững, nhất là liên kết với nhà máy đường để thực hiện sản xuất và tiêu thụ cây mía trên địa bàn. Trong thời gian qua thì huyện tiếp tục tìm hướng liên kết và xu hướng này sẽ tiếp tục giữ nguồn giống sạch và nhân rộng. Đây là cơ sở để liên kết giữa nhà máy với người dân và chính quyền địa phương, triển khai từ đầu vào có giống sạch sạch bệnh, để đảm bảo cho năng suất cũng như là tránh lây nhiễm bệnh, đồng thời trên cơ sở đó, nhà máy sẽ thu mua và mở rộng vùng nguyên liệu của nhà máy để thực hiện liên kết trong thời gian tới”.

Bước đầu thực hiện việc ứng dụng công nghệ, cây con giống mới vào sản xuất sẽ có những bỡ ngỡ, khó khăn, nhưng tin chắc rằng với sự chuẩn bị của địa phương cũng như sự cố gắng, nỗ lực của người dân sẽ tạo nên những bước tiến xa hơn nữa trong phát triển nông nghiệp huyện Đak Pơ./.

CTV Lan Anh – Nguyễn Hiền (Huyện Đak Pơ)


Lượt xem: 14

Trả lời