Khơi dậy niềm đam mê cồng chiêng từ đội chiêng nhí

Cập nhật 10/10/2018, 08:10:58

Với truyền thống ngàn đời, trong các làng người dân tộc Jơrai từ trẻ đến già, nam đều biết đánh cồng chiêng, nữ thuần thục các điệu múa xoang. Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng, các thế hệ già làng luôn ý thức được việc truyền dạy, bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống của mỗi người dân.

Và không ai khác, chính thế hệ trẻ sẽ trở thành người gìn giữ, giao lưu, cùng nhau tập đánh cồng, chiêng để từ đó tạo điều kiện cho văn hóa cồng chiêng được duy trì và phát triển.

          Với ý nghĩa đó Đội cồng chiêng nhí của làng Chuét Ngol, xã Chư Á, thành phố Pleiku đã ra đời .

Những  ngày này vào buổi tối Nhà sinh hoạt cộng đồng của làng Chúet Ngol luôn ngân vang tiếng cồng, tiếng chiêng của Đội chiêng nhí. Theo thôn trưởng Yaih, mặc dù chưa biết Đội chiêng nhí của làng có được tham gia biểu diễn tại Festival cồng chiêng sắp tới hay không nhưng từ khi biết sắp diễn ra lễ hội làng đã tăng cường tập luyện cho các em. Em nào cũng háo hức, cũng thích thú tập luyện rất hăng say…

Bởi với các em đánh cồng chiêng, múa xoang không chỉ là để  diễn mà còn mong muốn mang tiếng cồng chiêng, điệu múa xoang của dân tộc  Jrai đến với mọi người để góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.

Em Háo,  làng Chúet Ngol, xã Chư Á, Tp.Pleiku nói: “Em tham gia đội cồng chiêng của làng từ năm 10 tuổi,, lúc đầu em và các bạn không biết đánh cồng, chiêng, nhảy xoang nhưng nhờ các già làng dạy nên nay biết rồi, bạn nào cũng đánh cồng chiêng, nhảy xoang tốt. Em sẽ tiếp tục tham gia đội cồng chiêng của làng để đi biểu diễn cho mọi người xem, giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.

Em Rơ Chăm H’Wery làng Chúet Ngol, xã Chư Á, Tp.Pleiku cũng nói: “Em thấy mấy chị tập múa nên em thích em vô đội múa, lúc đầu em múa không được nhuần nhuyễn lắm nên mấy chị hướng dẫn cho và giờ em đã tập tốt hơn. Khi đi biểu diễn em rất vui và tự hào về văn hóa của dân tộc mình”.

Từ khi thành lập đến nay Đội cồng chiêng nhí làng Chúet Ngol luôn duy trì khoảng 30 thành viên từ 10-16 tuổi, cứ thế hệ này lớn lên sẽ có thế hệ sau kế cận. Và hình ảnh các em trai say sưa đánh cồng chiêng, kết hợp nhịp nhàng với vòng múa xoang uyển chuyển của các em gái trong ánh chiều tà thật đẹp biết bao.

Ông Yaih- Thôn trưởng làng Chúet Ngol, xã Chư Á, Tp.Pleiku cho biết: “Vận động bà con duy trì bản sắc văn hóa của dân tộc của Jrai mình nên kêu thanh niên, thiếu niên tập trung lại tập luyện đánh cồng chiêng. Tháng nào cũng tham gia tập luyện cho mấy đứa nhỏ, cha truyền con nối trong phong tục tập quán của Jơrai để giữ lại bản sắc dân tộc. Sắp tới Gia Lai tổ chức Festival cồng chiêng bà con cũng tập luyện để tham gia lễ hội. Khi có lễ hội cồng chiêng gia lai bà con rất mừng và rất muốn tham gia để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc”.

Bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bắt đầu từ thế hệ trẻ. Và để khơi dậy niềm đam mê này thì yếu tố cần thiết là việc  duy trì hoạt động của các đội chiêng nhí, nhân tố tích cực trong phong trào ca hát và diễn tấu cồng chiêng trẻ trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, vừa góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thể hiện ý thức trách nhiệm của thanh-thiếu niên đối với văn hóa truyền thống.

Lê Thư-Thiên Thanh-Huy Toàn


Lượt xem: 103

Trả lời