Khó khăn trong khám chữa bệnh đông y từ tuyến cơ sở

Cập nhật 14/2/2017, 07:02:04

Khám chữa bệnh theo phương pháp đông y (còn gọi là y học cổ truyền) những năm gần đây được người dân lựa chọn, nhất là với những căn bệnh về xương khớp. Đặc biệt tại các trạm y tế xã ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ngoài khám chữa bệnh theo phương pháp tây y thì còn có cả phương pháp y học cổ truyền. Tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa cao khi mà vẫn còn những khó khăn nhất định. PS được thực hiện tại huyện Đak Đoa.

Tại xã Tân Bình (huyện Đak Đoa), mặc dù người bệnh có nhu cầu, thế nhưng thiếu nguồn nhân lực khi cả trạm y tế xã chỉ có một y sĩ tây y kiêm về y học cổ truyền; trong khi trang thiết bị thì chỉ là chiếc máy điện châm, còn vườn thuốc nam thì chỉ là vườn mẫu với một số loại cây thông dụng chứ không thể sơ chế thành thuốc nguyên liệu; do đó hoạt động khám chữa bệnh theo phương pháp y học cổ truyền chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn người bệnh cách sử dụng một số loại cây thuốc theo phương pháp thông thường.

Y sĩ Nguyễn Thị Bảo Thúy – Phó trạm trưởng Trạm y tế xã Tân Bình, huyện Đak Đoa, Gia Lai  cho biết: “Cách đây khoảng 7 năm về trước thì trạm chúng tôi có châm cứu cho rất là nhiều bệnh nhân, nhưng lúc đó thì máy điện châm hỏng, bệnh nhân đến vài lần thì cũng không đến nữa và việc châm cứu bây giờ thì dừng lại rồi. Bây giờ thì chỉ có cây lá, ví dụ trạm trồng được cây gì thực tế người dân sử dụng khỏi bệnh thì họ đến họ xin; và thêm thuốc đông y hiện nay có đóng thành viên, thì người bệnh có BHYT tới đây xin thuốc đông y đóng viên đó”.

.Hiện tại, tuyến xã là nơi khám chữa bệnh ban đầu, thế nhưng việc khám, chữa bệnh bằng YHCT còn rất hạn chế. Đối với huyện Đak Đoa, hiện 17/17 trạm y tế xã, thị trấn đều có phòng YHCT, xây dựng và duy trì được vườn cây thuốc nam với nhiều chủng loại theo quy định của Bộ Y tế…; tuy nhiên công tác khám chữa bệnh bằng YHCT cũng không thường xuyên. Theo số liệu thống kê thì tổng số lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh bằng YHCT tại tuyến xã; tỷ lệ bệnh nhân sử dụng thuốc nam, châm cứu và tư vấn dùng YHCT còn khá thấp, chỉ dưới 10%. Thậm chí ngay tại Khu điều trị Đông y của Trung tâm Y tế huyện, những khó khăn này cũng không phải là ngoại lệ.

Bác sĩ Phan Ngọc Danh – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa, Gia Lai  cho biết: “Y tế xã thì khó khăn, chỉ có 1 số xã thôi và ở đây thì chỉ có Đak Rong là mạnh nhất vì đó là phòng khám khu vực, trước đây đó là trạm y tế trung tâm. Còn các xã khác thì chỉ cầm chừng ở việc kê đơn về thuốc hoàn chứ cũng không có điều trị nội trú, cũng không có sử dụng các kỹ thuật. Trong thời gian sắp đến thì Ban Giám đốc cũng đã có định hướng và chắc chắn sẽ có đề án tách khoa Đông y riêng, và cố gắng tìm mọi nguồn để cải tạo lại cơ sở hạ tầng của đông y tạo điều kiện cho phát triển”.

Với các loại bệnh như: ho, viêm họng, đau xương khớp, rối loạn tiêu hóa… đều có thể triển khai điều trị bằng thuốc nam, châm cứu, và sử dụng các phương pháp khám, chữa bệnh bằng YHCT không dùng thuốc… Thế nhưng để công tác khám chữa bệnh YHCT mang lại hiệu quả cao hơn thì rõ ràng những khó khăn hiện tại cần phải được khắc phục để góp phần chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng tốt hơn ./.

Mỹ Tiến – Thu Thủy- Minh Trí

 

 


Lượt xem: 550

Trả lời