Khó khăn trong công tác tuyên truyền tảo hôn ở Krông Pa

Cập nhật 29/5/2018, 14:05:40

Dù công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục, nhưng thời gian qua, tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra ở một số xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thuộc huyện Krông Pa. Chỉ tính từ đầu năm đến nay đã có 22 trường hợp tảo hôn, chiếm hơn 25% tổng số các cặp kết hôn trên địa bàn, trong đó nhiều trường hợp sinh đẻ ở độ tuổi 14-15, gây nhiều hệ lụy đến đời sống xã hội, làm giảm chất lượng dân số, chất lượng giống nòi. Phản ánh được thực hiện tại xã Đất Bằng, một trong những xã có tỷ lệ tảo hôn cao nhất huyện..

Những trang vở đóng lại… những quyển sách được xếp vào một góc tủ… 16 tuổi, Rcom H’Trúc đã gác lại việc học để bước sang 1 vai trò khác- làm mẹ.

Em Rcom H’Trúc, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa  nói: “Em đang học thì yêu  rồi có con, giờ thì chưa làm giấy kết hôn với giấy khai sinh cho con. Thời gian này em thấy hối hận, em không muốn lấy chồng sớm em muốn được đi học lại.”

Những lời nói hòa cùng những giọt nước mắt lăn dài trên má. Thành tích 10 năm đạt học sinh khá, giỏi ở trường giờ chỉ còn là những tấm giấy khen nằm im lìm trên tường. Ở tuổi mới lớn, kinh nghiệm chăm sóc em bé chưa có, ngay cả 1 câu hát ru cũng không thuộc, mọi việc đều phải nhờ mẹ của H’Trúc lo liệu.

Tại xã Đất Bằng, những câu chuyện như của H’Trúc không phải là hiếm. Trong năm 2017, trên địa bàn xã có 24 trường hợp bỏ học để ở nhà kết hôn. Thế nhưng chỉ 5 tháng đầu năm 2018, con số này đã là 15 cặp tảo hôn. Dù đã tăng cường triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền thế nhưng dự kiến số cặp tảo hôn còn có thể tăng thêm nữa. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có lẽ gia đình vẫn là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến con trẻ.

Ông Kpăh Kon, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa  cho biết: “Mấy đứa con ưng bắt chồng này chồng kia mẹ cha đâu có biết, mình không cho ở chúng nó chết thì sao”.

Chị Ksor H’Hương, Cán bộ dân số xã Đất Bằng, huyện Krông Pa nói: “Trong thời gian gần đây công tác tuyên truyền tảo hôn được quan tâm hơn. Tuy nhiên vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhận thức người dân còn kém, ba mẹ không quan tâm nên việc tảo hôn vẫn tăng cao, công tác tuyên truyền để đến được các đối tượng cần tiếp cận vẫn còn hạn chế. Mình mong muốn chính quyền quan tâm hơn nữa về công tác này để người dân tự ý thức, thấy được hậu quả của tảo hôn, nó là vấn đề ảnh hưởng đến xã hội”.

Tảo hôn không chỉ gây ra hệ lụy đối với sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số và sự phát triển của xã hội. Vì vậy, để giảm thiểu và xóa bỏ tình trạng này xã Đất Bằng nói riêng và huyện Krông Pa  nói chung cần đề ra nhiều giải pháp quyết liệt hơn nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động và mở rộng đối tượng tuyên truyền để chấm dứt cảnh những đứa trẻ còn trong độ tuổi vị thành niên đã phải làm cha mẹ trong chính cuộc hôn nhân quá sớm của mình./.

Nhâm Dung,  Minh Trung


Lượt xem: 161

Trả lời