Khẩn trương bắt tay vào thực hiện Dự án “Giảm tốc độ – Trường học an toàn” giai đoạn II tại thành phố Pleiku

Cập nhật 17/10/2020, 10:10:39

Sau hơn 2 năm triển khai Dự án “ Giảm tốc độ – Trường học an toàn” giai đoạn I tại Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (nằm trên Tỉnh lộ 670, xã Biển Hồ) và Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (Quốc lộ 19, phường Thắng Lợi), thành phố Pleiku, Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (Quỹ AIP) đã phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh thiết kế, xây dựng mô hình trường học an toàn thông qua cải tạo hạ tầng giao thông và định hướng hành vi giao thông xung quanh khu vực trường học; nhờ đó tỷ lệ va chạm giao thông xảy ra gần khu vực các trường thuộc dự án triển khai đã giảm từ 34,1% xuống 30,4%. Từ kết quả đạt được, hiện nay, Quỹ AIP đang phối hợp chặt chẽ với Ban An toàn giao thông tỉnh, các đơn vị liên quan khẩn trương bắt tay vào thực hiện giai đoạn II tại 26 Trường Tiểu học trên toàn địa bàn thành phố Pleiku.

26 Trường Tiểu học được Dự án chọn để triển khai trong giai đoạn II này hầu hết nằm sát mặt đường quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường nội thị thành phố Pleiku luôn có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông đối với học sinh. Để thực hiện Dự án “ Giảm tốc độ – Trường học an toàn” giai đoạn 2 (thời gian thực hiện từ tháng 7.2020 đến tháng 3.2022), Qũy AIP sẽ tài trợ với kinh phí gần 9,8 tỷ đồng. Trong đó kinh phí do Quỹ AIP trực tiếp quản lý, thực hiện dự án là gần 7,96 tỷ đồng; Quỹ phân bổ cho Ban An toàn giao thông tỉnh thực hiện hợp phần cải tạo hạ tầng là hơn 1,8 tỷ đồng. Mục tiêu Dự án hướng tới là cải tạo đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông xung quanh trường học, giảm tốc độ, thay đổi hành vi người tham gia giao thông; xây dựng định nghĩa “Khu vực trường học an toàn” và giảng dạy thí điểm giáo trình điện tử an toàn giao thông tại các trường tham gia dự án…

Thầy Lê Văn Phương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An, thành phố Pleiku cho biết: “Như trường chúng tôi thì vào khung giờ từ 6h30 đến 7h kém 10 thì có hơn 1.000 xe máy và 100 xe ô tô tham gia giao thông đến cổng trường. Lưu lượng xe lớn như thế thì nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông cho các em rất là cao, cho nên chúng tôi rất mong dự án sớm triển khai thực hiện để giảm thiểu tình hình gây tai nạn giao thông trong học đường.

Bà Nguyễn Thị Quý Linh – Giám đốc chương trình quốc gia Quỹ Phòng chống thương vong châu Á cho biết: “  Quỹ Phòng chống thương vong châu Á cũng mong muốn là sẽ cải thiện được cơ sở hạ tầng xung quanh khu vực trường tiểu học trên toàn địa bàn thành phố Pleiku, từ đó giúp cho các em học sinh giảm thiểu những rủi ro trên cung đường đi học từ nhà đến trường cũng như ra về. Bên cạnh các em học sinh thì chúng tôi cũng hướng tới nhóm cộng đồng dân cư cũng rất quan trọng đó là phụ huynh hàng ngày đưa đón con em đi học cũng như các thầy cô giáo và cộng đồng xung quanh”.

Để giai đoạn II của dự án phát huy hiệu quả tốt nhất trong quá trình triển khai, Quỹ AIP vừa phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức buổi làm việc với 26 Trường Tiểu học và các đơn vị liên quan tại thành phố Pleiku để “Lắng nghe ý kiến cộng đồng về cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông trường học”. Thông qua buổi làm việc, những ý kiến đóng góp liên quan đến việc xây dựng biển báo, gờ giảm tốc độ, gia cố điểm đỗ xe, vỉa hè, giải tỏa hành lang giao thông, làm hàng rào an toàn, cài đặt camera giám sát và quy định tốc độ khu vực trước hoặc xung quanh trường học vào các giờ cao điểm ở mức 30 đến 40km/h…. sẽ là tiền đề quan trọng giúp hoàn thiện thiết kế các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng để sớm bắt tay vào thực hiện thời gian tới đạt kết quả cao nhất.

Bà Nguyễn Thị Quý Linh cho biết thêm: “Khi chúng ta triển khai thành công ở Gia Lai thì đây là một cơ sở rất quan trọng để Quỹ AIP tiếp tục làm việc với các cơ quan ở cấp Trung ương, vận động về mặt chính sách để xây dựng được một định nghĩa về trường học an toàn để từ đó có những quy định liên quan về công tác xây dựng, công tác lưu thông của người dân để vận động trở thành một quy định chính thức trên toàn quốc”.

Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia  cho biết: “Chúng tôi rất hy vọng trong giai đoạn II này thì chúng ta tiếp tục triển khai với sự cam kết rất mạnh mẽ từ tỉnh, thành phố Pleiku thì chúng tôi rất tin tưởng giai đoạn 2 chúng ta sẽ thành công”.

Theo Viện nghiên cứu Đo lường chỉ số và Đánh giá sức khỏe, mỗi năm tại Việt Nam có 2.150 trẻ em thiệt mạng do tai nạn giao thông. Trong đó, 1 người đi bộ chỉ có 10% khả năng sống sót khi va chạm với phương tiện đang di chuyển ở tốc độ 60km/h, nhưng có đến 90% khả năng sống sót khi va chạm với phương tiện di chuyển ở vận tốc 30km/h. Chính vì vậy, Dự án “Giảm tốc độ – Trường học an toàn” tiếp tục triển khai giai đoạn II được kỳ vọng sẽ mang đến tác động dài hơi, tích cực trong cộng đồng tại Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng trong việc đảm bảo an toàn giao thông, giảm thương vong cho trẻ em, từ đó xây dựng môi trường giao thông học đường an toàn./.

Đoàn Bình, Xuân Huy


Lượt xem: 57

Trả lời