Kết nghĩa để cùng nhau phát triển

Cập nhật 12/12/2020, 09:12:57

Trong những năm qua, công tác kết nghĩa với các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn được Đảng bộ và chính quyền các cấp quan tâm, chú trọng. Trong đó có việc đẩy mạnh kết nghĩa giữa các thôn có điều kiện thuận lợi với các làng còn khó khăn. Việc làm này đã từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đóng góp có hiệu quả vào mục tiêu xây dựng quê hương Gia Lai ngày càng giàu mạnh. Câu chuyện về hiệu quả trong công tác kết nghĩa giữa thôn Lũng Vân với làng Tu, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn về điều đó.

Vườn cây ăn trái hơn 1ha của ông Nguyễn Văn Dũng, ở thôn Lũng Vân, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông được đón tiếp những người bạn trẻ  ở làng Tu – những người anh em kết nghĩa, đến tham quan và học tập mô hình. Không có sự giấu diếm hay e ngại đến từ cả hai phía, tất cả cũng nhau chia sẻ một cách tự nhiên về kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong xây dựng mô hình vườn cây căn trái tổng hợp. Những điều đó chắc chắn sẽ được những người bạn Jrai này áp dụng ngay tại ngôi làng của mình để từng bước xây dựng cuộc sống gia đình ngày một tốt hơn.

Chị Siu H Byui, Làng Tu, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông nói: “Lâu nay bà con mình chỉ làm lúa, điều thôi, nay tới thăm mô hình nhà anh Dũng, được anh chỉ bảo tận tình. Mình còn trẻ phải mạnh dạn làm thôi, sau này nói bà con làm theo, có khó khăn thì cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau mới phát triển được”.

Việc kết nghĩa giữa hai thôn làng không chỉ dừng lại ở việc học tập các mô hình. Ở đó, còn có hoạt động hỗ trợ việc làm, hỗ trợ vay vốn giữa gia đình có điều kiện kinh tế khá ở thôn Lũng Vân với các hộ còn nhiều khó khăn của làng Tu. Với vai trò là trưởng thôn Lũng Vân, ông Hà Văn Mừng luôn trăn trở với những câu hỏi: Vì sao bà con mình mãi nghèo, vì sao bà con mình không có nguồn thu nhập tăng thêm, trong khi dân đông, mà thương mại, dịch vụ chưa phát triển? Từ những trăn trở đó, ông đã bàn bạc với gia đình mở cửa hàng sửa chữa có khí, trước thì quy mô nhỏ, nay có thể nói là lớn nhất nhì xã. Không chỉ tăng thêm thu nhập cho gia đình, ông còn tạo việc làm cho thanh niên trong thôn và cả nững thanh niên làng Tu.

Ông Hà Văn Mừng, Trưởng thôn Lũng Vân, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông cho biết: “Nói về kinh tế so với khu khác thì chưa cao, nhưng so với khu này thì tương đối ổn định. Về giúp việc cho anh em thì lúc nào cũng 2, 3 nhân công làm ở đây.  Gia đình cũng hỗ trợ cho một số gia đình khó khăn về vốn vay lãi suất thấp để cùng nhau vươn lên làm ăn đảm bảo kinh tế hàng ngày”.

Thôn Lũng Vân có 284 hộ, phần lớn là dân tộc Mường, đến từ các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa vào Gia Lai lập nghiệp theo chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới của Đảng. Gần 10 năm qua, họ đã kết nghĩa cùng với đồng bào Jrai của làng Tu để đoàn kết, chung sức phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương Ia Lâu ngày càng phát triển.

Bà Nay Hăc, Bí thư chi bộ làng Tu, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông cũng cho biết:  “Từ khi kết nghĩa với thôn Lũng Vân thì bà con làng Tu đã học tập được nhiều cái hay cái tốt của họ. Đó là học tập được nhiều mô hình phát triển kinh tế, tiếp thu được những tiến bộ trong đời sống văn hóa tinh thần để xây dựng cuộc sống của bà con trong làng ngày càng phát triển. Các dịp lễ, tế thì bà con hai thôn làng cũng rất là đoàn kết, thăm hỏi nhau và tổ chức chung nhiều hoạt động văn hóa để giao lưu với nhau.”

Con đường kết nối làng Tu đi các thôn, làng khác được thực hiện theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, trong đó có một phần hỗ trợ kinh phí của những người bạn thôn Lũng Vân dành cho bà con làng Tu. Có con đường mới, việc đi lại sẽ trở nên thuận tiện hơn…

Và con đường này sẽ góp phần gắn chặt thêm tình đoàn kết giữa hai thôn Lũng Vân và làng Tu, cũng như các thôn làng khác tại xã Ia Lâu./.

Quốc Linh – Song Nguyễn – Mạnh Hà – Minh Vũ


Lượt xem: 30

Trả lời