Kbang phát huy tiềm năng du lịch

Cập nhật 20/1/2023, 06:01:27

Để đạt được những thành quả đáng khích lệ trong phát triển kinh tế – xã hội, góp phần mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc và Tết cổ truyền đủ đầy, vui tươi cho người dân, các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã chọn triển khai những giải pháp phù hợp. Đối với huyện Kbang là địa phương có nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, có lịch sử cách mạng đầy tự hào và có nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc nên thời gian qua, Kbang tập trung khai thác để phát triển du lịch, qua đó mang lại giá trị to lớn cho cộng đồng.

Làng Stơr, xã Tơ Tung và Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Đinh Núp là những tên đất, tên người lẫy lừng đã đi vào trang sử hào hùng của huyện Kbang. Những năm qua, Nhà lưu niệm Anh hùng Núp và Khu phục dựng “Làng kháng chiến Stơr” đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, không chỉ bởi những câu chuyện kể đầy tự hào về lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, mà còn vì những nét đẹp văn hóa đặc sắc, riêng có của người Bahnar.

Chị Hoàng Thị Sam, Du khách đến từ tỉnh Cao Bằng chia sẻ: “Đây lần đầu tiên em được đặt chân đến mảnh đất của Anh hùng Núp. Em cảm thấy rất vui và hãnh diện khi đất nước mình đã có một người anh hùng mang lại niềm tự hào cho dân tộc của mình và thực sự rất ấn tượng khi đến đây”.

Chị Lê Thị Lên, Du khách đến từ tỉnh Đồng Nai cũng nói: “Ở đây không khí rất là trong lành. Bởi nơi đây được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều khu rừng rất đẹp và nhiều cây xanh, điều này rất khác biệt với khu vực thành phố của chúng mình rất ồn ào… Một vấn đề nữa là mà mình rất thích đó là văn hóa ẩm thực của người đồng bào”.

Cách xã Tơ Tung không xa là xã Kông Lơng Khơng – một địa chỉ nổi bật về bảo tồn và lưu giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống của người Bahnar. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi trên địa bàn xã có đến 5 nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực dân gian. Nhiều năm qua, họ đã và đang không ngừng nỗ lực để truyền dạy tri thức dân gian về chỉnh chiêng, diễn tấu cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống cho đồng bào Bahnar tại đây.

Nghệ nhân chỉnh chiêng Đinh Dũng, Làng Mơhra – Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang tự hào nói: “Suốt mười mấy năm qua tôi luôn cố gắng học tập nghề chỉnh chiêng này. Bởi vì tôi nghĩ rằng truyền thống của người Bahnar là không bao giờ bỏ được. Đảng và Nhà nước đã công nhận tôi là nghệ nhân ưu tú, tôi rất phấn khởi và sẽ cố gắng truyền dạy cho bà con nhiều hơn nữa”.

Tiếp tục theo đường Trường Sơn Đông đi về hướng Bắc là điểm đến Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng – nơi ẩn mình của nàng thơ mang tên thác Hang Én, hay còn được biết đến là thác K50. Theo ông Trịnh Viết Ty – Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng: bình quân mỗi tháng có từ 300 đến 400 lượt khách đăng ký tham quan, khám phá vẻ đẹp của thác Hang Én cũng như quần thể 12 thác lớn nhỏ tại đây; cùng hơn 200 lượt khách đến tham quan, nghiên cứu khoa học. Điều đặc biệt là từ khi vấn đề du lịch tại khu bảo tồn được khai thác, đã có sự đồng thuận, tham gia rất nhiệt tình từ đồng bào Bahnar tại 5 làng vùng đệm của khu bảo tồn.

Ông Trịnh Viết Ty, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện Kbang nói: “Họ tham gia chở khách, dẫn khách, làm các món ăn, khi khách cần họ cũng tham gia biểu diễn văn hóa, văn nghệ, múa cồng chiêng và được khách đánh giá rất cao”.

Mục tiêu phát triển của ngành du lịch huyện Kbang được xác định rõ trong các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện gắn với thực hiện mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới.

Ông Đinh Đình Chi, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Kbang cho biết: “Trong đó xác định rõ lấy du lịch cộng đồng là điểm chính trong phát triển du lịch tại địa phương. Gắn kết với đó là di sản văn hóa, và khai thác các giá trị thiên nhiên tại địa phương. Nòng cốt chính trong các hoạt động này là cộng đồng dân cư, với sự huy động lớn cộng đồng dân tộc thì họ đã đứng ra tạo ra những sản phẩm về văn hóa truyền thống của địa phương để nâng cao thu nhập xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương”.

Vùng đất Kbang sở hữu những tài nguyên thiên nhiên vô giá. Lịch sử Kbang chứa đựng những giá trị của lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Con người Kbang đã và đang có những chuyển biến tích cực trong cách ứng xử với thiên nhiên, với truyền thống văn hóa mà các thế hệ ông cha đã dày công gây dựng. Nhận thức rõ những tiềm năng đó, Kbang đang tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện điểm đến di tích lịch sử “Làng kháng chiến Stơr” xã Tơ Tung; kết nối với các địa phương khu vực phía Đông Gia Lai để xây dựng tuor, tuyến du lịch về di tích lịch sử; đầu tư thiết chế văn hóa cho 4 làng đồng bào dân tộc thiểu số có tiềm năng phát triển thành điểm du lịch trong tương lai; xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái gắn với du lịch cộng đồng tại làng Mơhra – Đáp, xã Kông Lơng Khơng; và từng bước hiện thực hóa nội dung ký kết về hợp tác phát triển du lịch với các huyện, thành phố vùng Đông Trường Sơn… Tất cả đều hướng đến việc phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có để du lịch Kbang phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới./.

CTV Hà Duyệt – Hữu Nở (Huyện Kbang)


Lượt xem: 10

Trả lời