Kbang: Một mùa dưa hấu “Đắng”.

Cập nhật 04/4/2014, 16:04:02

Với lợi thế về đất đai thổ nhưỡng, khí hậu nên vụ Đông Xuân năm nào người dân Kbang cũng trồng dưa hấu, đây là loại cây thời vụ ngắn ngày nếu được mùa được giá thì cho lợi nhuận rất lớn không có cây gì bằng và ngược lại  mất mùa hay mất giá thì thua  lỗ rất đậm.  Năm nay, dưa tốt được mùa, cuối tháng 3 bà con trồng dưa thu hoạch dưa rộ nhưng chưa kịp vui thì đang đắng lòng vì dưa mất giá mạnh .Bài viết được thực hiện tại xã Nghĩa An.

 

Anh Đặng Quang Duy đắng lòng nhìn vườn dưa.

 

Gia đình ông Đặng Quang Duy, ở thôn 2 xã Nghĩa An trồng được 7 sào dưa hấu. Do trồng đúng kỹ thuật, chăm sóc tốt nên ruộng dưa của ông nhìn rất đẹp mắt, trái nhiều, chất lượng quả to và đều. Thế nhưng trông nét mặt ông lúc nào cũng buồn rầu. Qua trao đổi được biết: dưa nhà ông lái buôn chỉ thu mua với giá 2.300 đồng một ký, đối với dưa tuyển và hẹn một vài ngày tới sẽ đến cắt dưa. Để  chờ lái buôn đến cắt, hàng ngày ông vẫn phải chạy nước cho ruộng, nhìn những trái dưa mà ông đắng lòng.

 

Ông Đặng Quang Duy, thôn 2, xã Nghĩa An giải bày: “Giá dưa như năm nay mà so với thời điểm năm trước  giá 7 – 8 ngàn thì đám dưa này bán cũng được vài trăm triệu nhưng nay chỉ lấy lại đủ vốn.”

 

Ông Duy chỉ là một trong những số ít người trồng dưa ở Nghĩa An còn thu hồi lại được vốn sau thu hoạch nhờ dưa đạt năng suất và còn gặp may mắn vì bán được dưa, theo bà con ở đây có nhiều người trồng dưa còn lỗ vốn do bán đổ bán tháo cho lái buôn.

 

Dưa hấu là một loại cây trồng ngắn ngày, thời gian sinh trưởng trung bình chỉ gần 3 tháng nhưng kỳ công chăm sóc nhất  trong các cây trồng khác. Gia đình Anh Nguyễn Văn Cừ có đất xâm canh ở thôn 2, Nghĩa An đã dựng lều, ăn, ở tại ruộng đến nay là gần 3 tháng để làm dưa. Chỉ với diện tích gần 6 sào nhưng công việc cứ thế luôn tay, luôn chân ở ngoài đồng.

 

Anh Cừ cho biết:“Trồng dưa lúc nào mình cũng phải ở ngoài đồng để xem bệnh tình. Xong giai đoạn đầu rồi thì bóc chèo, nhánh, làm luôn chứ không có thời gian mà nghỉ. Chăm sóc đến khi lớn, bán được rồi thì mới khỏe chứ không có thời gian mà rãnh đâu” .

 

Mặc dù biết dưa mất giá nhưng dưa chưa đến kỳ thu hoạch nên vợ chồng anh Cừ vẫn đang tiếp tục đầu tư, chăm sóc cho dưa. Anh cho biết thêm: cũng canh cánh bên mình về giá nhưng biết làm sao được, giờ chi phí đã bỏ ra đầu tư đâu có ít, chưa kể công sức lao động của mình nên đã đâm lao phải theo lao thôi.

 

Đối với những hộ có diện tích nhiều thì sau khi thu hoạch bà con tự tìm cách đưa dưa đi tiêu thụ để mong kiếm được đồng lãi.

 

Ông Đỗ Văn Tỵ, thôn 1, Nghĩa An làm tới 4 ha, chi phí đầu tư hơn 400 triệu, không cam lòng bán giá rẻ nên gia đình thuê xe trực tiếp chở đi Trung Quốc.  Ông Tỵ tâm sự: “Nhìn chung năm nay bà con ở Nghĩa An làm dưa rất là nhiều. Diện tích lớn nhưng bà con không có được giá. Giá mấy lái buôn dưa cứ trả 1 ngàn, 2 ngàn thì bây giờ buộc bà con phải tự đi bán. Chưa chắc bà con qua bên Trung Quốc có bán  được  giá không? hay lại mất trắng?”.

 

Dưa hấu lên xe vận chuyển ra phía bắc.

 

Theo người trồng dưa và cả người mua thì việc dưa xuống giá là do  dưa từ các nơi đổ về cửa khẩu Tân Thanh để xuất sang Trung Quốc  quá nhiều,  xe phải nằm chờ mới xuất được. Dù biết vậy nhưng người dân tự thuê xe chở đi bán và chi phí thuê mỗi chuyến mất cả trăm triệu.

Vụ dưa này, huyện Kbang trồng gần 170 ha dưa hấu, nhiều nhất là ở Nghĩa An, xã Đông, Kông Bờ La. Năng suất mỗi ha dưa khoảng 50 tấn. Với 170 ha sản lượng khoảng 8.500 tấn quả. Nếu bán giá 5 ngàn thì từ diện tích này nông dân sẽ thu về hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, với giá chỉ còn hơn 2.000 đồng như hiện nay thì đúng là người trồng dưa ở Kbang đang đắng lòng vì mùa dưa mất giá./.                                                       

Hồng Hạnh(Đài TT-TH Kbang)


Lượt xem: 74

Trả lời