Ia Ka bảo tồn giá trị văn hóa nghề đan, dệt truyền thống

Cập nhật 07/8/2017, 08:08:55

 Đan lát và dệt thổ cẩm là hai nghề truyền thống của người dân tộc Jrai. Hiện tại, các nghề truyền thống này đang dần bị mai một. Vì vậy, xã Ia Ka, huyện Chư Păh đã thực hiện nhiều biện pháp để gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hóa của 2 nghề truyền thống này.

Xã Ia Ka, huyện Chư Păh hiện có trên 75% dân số là người dân tộc Jrai với nhiều nét văn hóa đặc trưng gắn liền với đời sống tinh thần của nhân dân. Nổi bật là nghề đan lát và dệt thổ cẩm truyền thống. Ngày xưa, trong mỗi gia đình dân tộc Jrai đều có người biết đan, dệt. Họ làm nên những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên khi cuộc sống càng tiến bộ, nhiều sản phẩm công nghiệp hiện đại ra đời với ưu thế giá thành rẻ, tiện dụng đã dần thay thế các sản phẩm thủ công truyền thống nên việc truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ gặp vô vàng khó khăn. Trước tình hình trên, xã Ia Ka đã thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc mình bởi mỗi sản phẩm đan dệt không chỉ phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày mà còn thể hiện được bản sắc, văn hóa của người dân tộc Jrai.

Anh Rơ Châm Thuân – Cán bộ văn hóa xã Ia Ka, Chư Păh cho biết: “Ngày xưa trong cuộc sống họ khó khăn thì chưa có công nghệ để xử dụng nên họ dùng bằng tay để đan để phục vụ cho cuộc sống của họ. Xã Ia Ka giờ cũng còn nhiều mấy bà nhưng tôi rất sợ thế hệ trẻ sau này sẽ mài mòn đi. tại vì thế đi trước này đang bảo tồn nhưng mà thế hệ trẻ bây giờ học hành nên họ chưa chăm chú đến nghề đan hoặc dệt. Nên tôi nghĩ Đảng và nhà nước ta cần phục dựng nhiều hơn nữa các hội thi, hội diễn để truyền lại cho thế hệ sau”.

          Bên cạnh công tác tuyên truyền vận động về việc bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống, xã Ia Ka đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Chư Păh thành lập 1 câu lạc bộ dệt thổ cẩm với 52 thành viên tham gia nhằm tạo môi trường thuận lợi để chị em phụ nữ giao lưu, trao đổi cách dệt thổ cẩm truyền thống. Bà Rơ Châm Phen ở làng Mrông Yố 2, xã Ia Ka năm nay đã ngoài 50 tuổi nhưng biết dệt thổ cẩm được gần 40 năm. Bà là Tổ trưởng Câu lạc bộ dệt thổ cẩm của xã Ia Ka. Bà đã thường xuyên chỉ dạy thế hệ trẻ biết được cách dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình.

Bà Rơ Châm Phen – Nghệ nhân dệt thổ cẩm xã Ia Ka, Chư Păh nói: “Dệt vải thế này là từ hồi xưa, bà già dạy lại để mình dệt tiêu dùng hoặc là đi lễ hội, đi nhà thờ, đi lễ Pơ Thi thì phải mặc áo đồng phục. Không quên được, không bỏ được để sau này mình dạy lại mấy đứa nhỏ”.

          Ông Ksor UL làng Mrông Ngó 4, xã Ia Ka là một trong những nghệ nhân đan lát của xã. Từ nhỏ ông đã được cha mẹ dạy cho cách đan những vật dụng trong gia đình như rổ, nia và đặc biệt là những chiếc gùi. Mặc dù xã hội phát triển, những chiếc rổ nhựa và túi xách đã phổ biến trong các gia đình, những chiếc gùi cũng không được sử dụng nhiều nhưng bản thân ông vẫn thường xuyên đan những vật dụng để sử dụng trong gia đình và bán cho khách du lịch.

Ông Ksor UL  cho biết: “Lúc đầu biết đan lát là do cha mẹ dạy cho, đây là truyền thống của dân tộc mình nên không thể bỏ được. Mình làm nhiều thì bán còn không thì chỉ để sử dụng trong gia đình thôi. Con cháu trong nhà cũng đang học đan lát do mình dạy, phải học dần dần chứ không được bỏ cái nghề này”.

Nhờ sự tâm huyết của các nghệ nhân đan lát và dệt thổ cẩm nên xã Ia Ka vẫn còn bảo tồn các giá trị văn hóa của các nghề truyền thống này. Thời gian tới, xã sẽ thường xuyên tổ chức các hội thi, phối hợp với các ban ngành đoàn thể thực hiện nhiều biện pháp để nghề truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Jrai không bị mai một.

Diễm Ly – Bùi Đại


Lượt xem: 155

Trả lời