Ia Blang – Điểm sáng trong chương trình xây dựng nông thôn mới

Cập nhật 15/9/2021, 07:09:25

Xã Ia Blang, huyện Chư Sê được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015 – Xác định xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc, xã vẫn đang tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí để tiến tới hoàn thiện bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt trong câu chuyện nông thôn mới ở Ia Blang hôm nay, có dấu ấn của nhiều nông hộ và những làng vùng DTTS biết phát huy tinh thần nội lực để vươn lên làm giàu cho bản thân gia đình, đóng góp xây dựng quê hương giàu đẹp.

Xã Ia Blang có 11 thôn, làng, trong đó, có 5 làng DTTS. Điều kiện kinh tế-xã hội thuận lợi đã tạo xuất phát điểm tốt để Ia Blang trở thành 1 trong 3 xã đầu tiêu của huyện Chư Sê cán đích 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Không nằm ngoài quỹ đạo phát triển nông thôn gắn với nông nghiệp, nông nghiệp gắn với nông dân trong mối tổng hòa của chính sách “tam nông”, nhờ hướng đi phù hợp, giờ đây, chuyện làm giàu của những nông hộ trên địa bàn xã không còn quá xa lạ… Gia đình ông Nguyễn Trọng Dũng, thôn Vinh Hà đã từng thành công với cây hồ tiêu, trên 7ha canh tác, có năm đạt sản lượng 40 tấn. Giờ đây, ông lại bắt tay chinh phục những mục tiêu mới khi thực hiện chuyển đổi sang mô hình cây ăn trái… Không chỉ đi đầu trong phát triển kinh tế, ông còn tích cực tham gia ủng hộ địa phương xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Trọng Dũng, thôn Vinh Hà, xã Ia Blang, huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, nhờ Đảng lãnh đạo từng bước thay đổi cây trồng vật nuôi, cái gì làm được thì ai cũng hướng tới, làm tiêu, trồng cây ăn trái. Cây tiêu đã cho chúng tôi rất nhiều. Rất nhiều người có nhà, có xe đều từ cây tiêu. Bây giờ chúng tôi chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây ăn trái… Giờ thì cuộc sống khác xưa rồi, xưa núi rừng không à, đâu mà được như thế này. Tôi cũng vận động bà con tích cực xây dựng nông thôn mới để xây dựng quê hương mình”.

Làng Nhã có hơn 110 hộ với gàn 530 khẩu. Sau khi được chọn làm điểm triển khai xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, bà con đã đồng lòng chung sức cùng địa phương thực hiện các tiêu chí. Đã có hộ tự nguyện hiến đất xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, tháo dỡ hàng rào để mở rộng đường giao thông nông thôn, chủ động làm nhà vệ sinh đạt chuẩn, di dời chuồng trại nuôi nhốt gia súc, gia cầm ra xa nơi ở… Giờ đây, diện mạo làng quê đã có nhiều khởi sắc

Ông Brê, làng Nhã, xã Ia Blang, huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Bây giờ nông thôn mới cái gì cũng có, cũng văn minh, nên bà con ai cũng ủng hộ và cảm ơn Đảng, Nhà nước đã giúp sức”.

Đầu năm 2019, khi được chọn là một trong 4 xã điểm của tỉnh tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, cả hệ thống chính trị và người dân xã Ia Blang nhanh chóng bắt tay vào cuộc…

Ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch UBND xã Ia Blang, huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Xã sau khi đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới thì bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao. Ngoài phần kinh phí đầu tư của Nhà nước thì cũng cần nguồn lực đóng góp của người dân. Qua những năm xây dựng NTM, người dân rất là đồng thuận và ủng hộ, nhiều hộ dân tham gia ủng hộ kinh phí, hiến đất làm đường, công trình công cộng. Có gia đình cũng ủng hộ tới 300 triệu để làm đường, một số công trình, có nhà hiến hàng ngàn m2 đất để xây dựng nông thôn mới. Đó là nguồn lực rất lớn, là điều rất mừng cho địa phương”.

Phải nói rằng, trong hơn 10 năm qua, nông thôn mới thực sự đã trở thành chương trình nền móng và là bệ phóng, tạo sức bật trong phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cư dân khu vực nông thôn không chỉ ở xã Ia Blang mà còn ở nhiều địa phương khác trong tỉnh Gia Lai./.

Song Nguyễn, Ksor Tuối

 


Lượt xem: 45

Trả lời