Huyện Phú Thiện với công tác phòng, chống lụt, bão

Cập nhật 26/6/2014, 14:06:41

Với đặc thù địa hình nằm ở khu vực thung lũng sông Ayun và có nhiều sông, suối chảy qua, để chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, huyện Phú Thiện đã xây dựng phương án phòng chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn cứu hộ trong năm nay. Tuy vậy, tình trạng sạt lở đất đã và đang diễn ra, cùng sự hư hỏng, xuống cấp tại một số công trình cũng gây không ít khó khăn cho công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn. 

 

 Sông, suối ở Phú Thiện .

 

Làng Glung B, xã Ia Ake là một trong những xã trên địa bàn huyện Phú Thiện có một đoạn suối Ia Ake và sông Ayun chảy qua. Nếu như những năm trước đây, một số bà con của làng đã làm nhà ở tại khu vực này thì những năm gần đây khi đến mùa mưa, nước sông dâng cao, cộng với sự biến đổi của dòng chảy đã dần cuốn đi diện tích đất của dân làng. Tình trạng sạt lở đất cũng đã xảy ra gần với khu vực nhà dân ở nên địa phương đã vận động bà con di dời nhà ở đến nơi an toàn.

 

Ông Ksor Phan-Làng Glung B, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện cho biết: Trước đây trên mảnh đất này có 3 hộ đã làm nhà ở nhưng dần dần đất ở đây bị sạt lở nên bà con mình sợ đã tháo dỡ nhà di chuyển vào phía bên trong  để làm nhà ở.

 

Mùa mưa bão thường xảy ra trên địa bàn huyện Phú Thiện từ tháng 8 đến đầu tháng 12. Với đặc thù địa hình có nhiều sông, suối như: Suối Ia Ake, suối Ia Sol, suối Ia Piar, suối Chrôh Pơnan… và hồ Ayun Hạ, vào mùa mưa khi có những cơn mưa lớn kết hợp với việc xả nước hồ Ayun Hạ thường tạo thành một dòng chảy lớn đổ về sông Ayun dẫn đến việc nước dâng lên đột ngột nên thường xảy ra tình trạng ngập lụt tại một số thôn, làng ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn, ngoài ra còn có thể ảnh hưởng đến diện tích hoa màu, ao, hồ nuôi trồng thủy sản của người dân. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước do thiên tai gây ra, huyện Phú Thiện đã chủ động xây dựng phương án phòng chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn cứu hộ theo phương châm “4 tại chỗ”  và 3 sẵn sàng (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).

“Năm 2014 chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão để đối phó với lụt bão, đồng thời chuẩn bị trang thiết bị, tuyên truyền người dân chuẩn bị di dời khi có lụt bão, thiên tai, đặc biệt là khi xả lũ. Địa bàn huyện có nhiều sông suối, dòng nước chảy mạnh, do vậy có nguy cơ sạt lỡ nghiêm trọng. Chúng tôi đã hướng dẫn người dân di dời. Tuy nhiên trước tình hình nước lớn nguy cơ sạt lỡ đất rất lớn tại khu vực sông Ayun đoạn chảy qua xã Ia Ake, vì vậy đề nghị các cấp, ngành xây dựng bờ kè tại khu vực này để đảm bảo an toàn”. Ông Ksor Dương-Trưởng phòng NN&PTNT, Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo PCLB và TKCN huyện Phú Thiện khẳng định.

 

Được biết, huyện Phú Thiện là một trong những địa phương ở phía Đông Nam của tỉnh bị ảnh hưởng lớn từ các cơn bão số 9, 10 và 11 trong năm 2009 với tổng tài sản thiệt hại lên đến hàng chục tỉ đồng. Trong đó có 2 trụ điện gần trạm bơm IaRNiu, xã IaSol bị ngã đổ. 2 trụ điện này tuy đã được khắc phục tạm thời để đưa vào sử dụng nhưng trước tình trạng sạt lở đất đã và đang diễn ra trên địa bàn nên tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm.

 

Gặp gỡ trao đổi với ông Phạm Văn Thắng-Tổ trưởng Tổ Dịch vụ trạm bơm IaRNiu, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện, chúng tôi được ông Thắng cho biết: Bà con xã viên cũng như nhân dân trong xã mong muốn cấp lãnh đạo quan tâm bố trí kinh phí để làm lại, di dời đường điện. Nếu để tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến việc phục vụ nước tưới cho bà con, cũng như nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng con người. 2 trụ điện này do huyện quản lý. Chúng tôi chỉ xử lý được ở trạm bơm còn ngoài trụ điện kia biết là khi nước đẩy vào, dễ gây sạt lở nhưng việc di dời cần kinh phí lớn nằm ngoài khả năng, tầm tay của chúng tôi.

 

Trước tình hình thời tiết năm nay được dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường, việc các địa phương trong tỉnh nói chung và huyện Phú Thiện nói riêng đã chủ động xây dựng phương án phòng chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ là việc làm hết sức cần thiết. Tuy nhiên về lâu về dài, trước tình trạng sạt lở đất đã và đang xảy ra tại một số địa phương do sự biến đổi dòng chảy của sông Ayun gây ra, các cấp, ngành cần quan tâm bố trí nguồn kinh phí để làm bờ kè chống sạt lở, qua đó góp phần hạn chế đến  mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra./.

Thiên Thanh-Thiên Nga


Lượt xem: 75

Trả lời