Huyện Mang Yang chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Cập nhật 05/1/2017, 07:01:33

Trong khi các bộ, ngành, địa phương đang đau đầu với tình trạng lao động có trình độ đại học thất nghiệp tăng cao thì những hiệu quả mang lại trong việc thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần nâng cao chất lượng lao động nông thôn cũng như tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Mang Yang là một trong những địa phương tại Gia Lai triển khai có hiệu quả đề án này với việc chú trọng đổi mới và phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động là người DTTS. Nhờ vậy người dân đã lựa chọn loại hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp nâng cao thu nhập xóa đói giảm nghèo.

Với đàn bò 6 con, trước đây gia đình anh Kêm ở làng ĐêKơJêng, xã Ayun chỉ nuôi thả rông nên chất lượng không cao, hay bị bệnh. Đầu năm 2016, anh Kêm được tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi thú y theo Đề án 1956 mở tại địa phương. Sau khi tham gia lớp học anh và bà con trong làng đã có thêm kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi bò, đặc biệt là cách làm chuồng trại sạch sẽ nên đàn bò phát triển tốt, ít dịch bệnh. Làng ĐêKơJêng hiện có đàn bò gần 200 con, giờ hầu như gia đình nào cũng làm chuồng trại để nhốt bò…

Anh Kêm làng ĐêKơJêng, xã Ayun, huyện Mang Yang cho biết: “ Sau khi tham gia khóa học tôi đã có thêm kiến thức để chăm sóc cũng như phòng, tránh dịch bệnh cho đàn bò của gia đình. Hiện tôi đang mong có thêm vốn để mở rộng đàn bò, phát triển kinh tế gia đình để có tiền nuôi con ăn học”.

Bên cạnh mở các lớp đào tạo nghề trong chăn nuôi, huyện Mang Yang còn mở các lớp trồng chăm sóc cà phê, tiêu và các nghề phi nông nghiệp như sửa chữa máy nông cụ và xây dựng đơn giản theo hướng “cầm tay chỉ việc” nên người dân nắm bắt nhanh, dễ tiếp thu kiến thức, từ đó mạnh dạn đầu tư sản xuất.

 Anh Sung-Xã Ayun-huyện Mang Yang nói: “Nhà mình có quỹ đất trống nhưng trước đây vì không biết kỹ thuật trồng, chăm sóc tiêu, cà phê nên bỏ trống, sau khi tham gia lớp tập huấn về cách trồng trọt nên mình đã mạnh dạn đầu tư trồng tiêu xen canh với chanh dây vừa tận dụng được quỹ đất, vừa phát triển kinh tế gia đình”.

Ông Nguyễn Hữu Mặc-Trưởng phòng LĐ-TB XH huyện Mang Yang  cho biết: “Đối với huyện Mang Yang đặc thù đồng bào DTTS đông, để cho công tác đào tạo nghề có hiệu quả thì  giải pháp đối với công tác đào tạo nghề  với người đồng bào DTTS trên địa bàn là tăng thời lượng trực quan, tức là cầm tay chỉ việc gắn với địa bàn, gắn với đất đai thổ nhưỡng nơi đồng bào họ sinh sống để họ dễ tiếp thu. Chứ nếu chúng ta nặng về mặt lý thuyết thì sẽ không thành công đối với công tác đào tạo nghề của lao động đồng bào DTTS. Với các giải pháp như vậy thì đã góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn là người DTTS , góp phần nâng cao chất lượng đào nghề trên địa bàn huyện”.

Nhờ chú trọng gắn công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ với nhu cầu thực tiễn tại từng địa phương nên đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện Mang Yang khá cao, khoảng 70%. Đây chính là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp,  nông thôn./.

Lê Thư, Minh Trí


Lượt xem: 72

Trả lời