Huyện Kông Chro tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tài nguyên khoáng sản

Cập nhật 04/1/2018, 21:01:26

Những năm qua huyện Kông Chro đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ và quyết liệt để tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, nhờ đó đã hạn chế đến mức thấp nhất các vụ vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này.

Trữ lượng khoáng sản trên địa bàn huyện Kông Chro khá phong phú, chủ yếu là đá bazan, vàng sa khoáng, cát… Để hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển và mua bán khoáng sản ở địa phương đảm bảo quy định của pháp luật, từ năm 2013 đến nay, UBND huyện Kông Chro đã ban hành gần 100 văn bản chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn trong huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này. Nhìn chung, các doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm túc Luật Khoáng sản và Luật Bảo vệ Môi trường. Điển hình Công ty Đào Kỳ được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác đá bazan trong 10 năm nay tại xã Kông Yang. Công ty hoạt động trong phạm vi cho phép, đồng thời triển khai các biện pháp để hạn chế tác động, xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường. Bình quân mỗi năm doanh nghiệp này khai thác và gia công, chế biến hơn 10 nghìn tấn đá bazan phục vụ xây dựng, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Châu Á và Châu Âu, đã tạo việc làm ổn định cho 75 lao động.

Ông Đào Văn Trưởng – Quản đốc Công ty Đào Kỳ cho biết: “Trong quá trình hoạt động, công ty chúng tôi luôn chú trọng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND huyện Kông Chro về khai thác khoáng sản, đặc biệt công ty chú trọng bảo vệ môi trường và tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương”.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Kông Chro có 6 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản, chủ yếu là đá bazan phục vụ xây dựng. Cũng như Công ty Đào Kỳ, trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp đã tích cực đóng góp vào việc phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới, giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Vũ Hồng Hải – Công nhân Công ty TNHH Trung Kiên nói: “Tôi làm việc tại Công ty TNHH Trung Kiên nhiều năm nay, công ty thực hiện kịp thời và đầy đủ các chính sách về tiền lương, bảo hộ lao động, đời sống của công nhân cũng được cải thiện”.

Ông Phạm Huy Vân – Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kông Chro, Gia Lai cho biết: “Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã tích cực tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Qua kiểm tra trong năm 2017 chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện. Một số doanh nghiệp sau khi khai thác khoáng sản xong chưa phục hồi môi trường, phòng đã làm văn bản tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo quyết liệt để yêu cầu doanh nghiệp triển khai các biện pháp phục hồi môi trường”.

Đối với vụ khai thác vàng lén lút với quy mô nhỏ tại xã Chơ Glong, đến nay UBND huyện Kông Chro đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh đã xử lý dứt điểm. Trong thời gian tới, cùng với tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, huyện Kông Chro cũng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm, tích cực tham gia bảo vệ tài nguyên, khoáng sản và môi trường tại địa phương./.

Hà Đức, R Piên


Lượt xem: 154

Trả lời