Huyện Kông Chro nỗ lực thu hồi đất rừng bị lấn chiếm

Cập nhật 13/7/2017, 07:07:55

Hiện nay, huyện Kông Chro có tổng diện tích đất lâm nghiệp là trên 30.983 ha, trong đó có 435 ha đất rừng quy hoạch phòng hộ và 30.547 ha đất rừng quy hoạch sản xuất. Thực hiện Kế hoạch số 1.123 ngày 23/3/2017 của UBND tỉnh về việc tổ chức thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng, huyện Kông Chro đã xây dựng kế hoạch thu hồi 1.924 ha trong 2 năm 2017-2018 để trồng rừng.

Để thực hiện được mục tiêu này, huyện Kông Chro đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã và các đoàn kiểm tra; đồng thời xây dựng kế hoạch, quy chế hoạt động và quy định trách nhiệm của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư, thôn làng, chủ rừng trong việc rà soát, thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm. Tuyên truyền sâu rộng về mục đích, yêu cầu nhiệm vụ thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm, nhất là vận động người dân tự nguyện thực hiện đúng theo pháp luật, gắn liền với chính sách hỗ trợ cho người dân.

Đến thời điểm này, các ngành chức năng của huyện và các đơn vị chủ rừng đứng chân trên địa bàn đã lập hồ sơ ban đầu 149 hộ vi phạm với tổng diện tích đất rừng phải thu hồi là gần 339 ha.

Ông Từ Tấn Lộc , Trưởng phòng Kỹ thuật, Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Kông Chro cho biết: “Tổng diện tích đất rừng bị lấn chiếm của Cty ở xã Kon Yang này là 10,4 ha và là rừng trồng tái sinh bạch đàn. Hiện Cty đã lập biên bản ban đầu và tiến hành họp dân 2 lần để thống nhất chủ trương cty cương quyết thu hồi diện tích đất này theo chủ trương của UBND tỉnh để trồng lại rừng trong niên vụ 2017 này”.

Về kế hoạch trồng rừng năm 2017, hiện toàn huyện đã có 174 hộ đăng ký tham gia trồng rừng có hưởng lợi với tổng diện tích trên 621 ha, vượt 221 ha so với kế hoạch tỉnh giao.

Sở dĩ đạt được kết quả này là nhờ được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các cấp, ngành chức năng của tỉnh và Thường trực Huyện ủy, cũng như sự nổ lực phối hợp tổ chức, triển khai thực hiện của các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn và các đơn vị chủ rừng, nhất là có sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Lâm, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Kông Chro, Gia Lai cho biết: “Thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng của huyện phối hợp với chính quyền các địa phương, các chủ rừng xây dựng KH, cụ thể là KH 24 để tổ chức triển khai thu hồi đất bị lấn chiếm trong thời gian qua để triển khai trồng rừng. Trong quá trình triển khai đã có sự chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của tỉnh và huyện, đặc biệt các hộ vi phạm lấn chiếm đất rừng khi được kiểm tra thì đều chấp hành và sẵn sàng hợp tác với các ngành chức năng”.

Mặc dù có nhiều thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương thu hồi đất rừng bị lấn chiếm, nhưng huyện Kông Chro cung đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn như: địa bàn rộng, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp nhiều, trong đó diện tích đất nương rẫy của người dân hiện đang xâm canh trên đất lâm nghiệp lớn lên đến hơn 31.000 ha và đa số là các hộ đồng bào DTTS, phân bố rộng khắp trên 14 xã, thị trấn của huyện. Do đó rất khó khăn trong việc điều tra, rà soát quy hoạch rừng cũng như tổ chức thu hồi diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để chuyển đổi cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng.

Ngoài ra, vấn đề kinh phí, cây giống để triển khai trồng rừng cũng đang nổi lo của huyện, khi mùa trồng rừng 2017 đã cận kề.

Ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, Gia Lai nói: “Hiện nay chúng tôi đang hướng dẫn cho bà con các kỹ thuật trồng rừng. Tuy nhiên ở đây chúng tôi khó khăn về giống. Trước mắt chúng tôi sẽ sàng lọc ra những bà con nào tự lo được giống thì gia đình chuẩn bị, còn gia đình nào không lo được thì đăng ký với huyện để xin tỉnh ứng giống. Đến thời điểm này, số diện tích đăng ký cung cấp giống là gần 180 ha và huyện đã lập tờ trình gửi về tỉnh, tuy nhiên tỉnh chưa trả lời. Do đó, chúng tôi mong muốn các sở ngành có liên quan khẩn trương cho biết cây giống là ai cấp, nếu tỉnh cấp giống thì chúng tôi sẽ tiếp nhận và cấp lại cho bà con, còn tỉnh yêu cầu huyện lo thì phải có văn bản hướng dẫn để chúng tôi báo cáo với lãnh đạo huyện xin ứng ngân sách để mua giống”.

Có thể nói, Chưa bao giờ công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng lại được sự quan tâm mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương như hiện nay. Do đó, việc nhiều hộ dân và chủ rừngở các địa phương trên địa bàn huyện Kông Chro nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung đã và đang chủ động đăng ký trồng rừng sản xuất trong năm 2017là tín hiệu rất lạc quan, nên hy vọng các cơ quan chuyên môn sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và các đơn vị trồng rừng, góp phần tăng thu nhập từ nghề rừng và mang lại màu xanh cho rừng trong tương lai./.

 Quốc Anh, Đặng Trà

                                                                                            


Lượt xem: 105

Trả lời