HTX kiểu mới ở Gia Lai – Xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với xây dựng Nông thôn mới

Cập nhật 22/9/2020, 09:09:20

Chiếm gần 80% tổng số HTX trên địa bàn tỉnh, hiện số lượng HTX nông nghiệp tại Gia Lai là 229 HTX, trong đó 212 HTX đang hoạt động và đều theo mô hình HTX kiểu mới sau chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012.
Thực tế cho thấy dù vẫn còn gặp không ít khó khăn; tuy nhiên không ít HTX nông nghiệp đã bắt đầu với những hướng đi mới bằng việc dần tiếp cận ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất và chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng hiệu quả kinh tế. Đặc biệt nhiều HTX đã chú trọng việc xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới.

Hướng đến mục tiêu nâng tầm sản phẩm, giải pháp được HTX Nông lâm nghiệp Hoài Trương, huyện Chư Sê chọn đó là chế biến tinh để sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường. Theo đó, ngoài 11 thành viên chính thức, HTX đã thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị với 18 thành viên liên kết trong sản xuất, chế biến các sản phẩm của HTX; đồng thời đẩy nhanh việc đăng ký bảo hộ độc quyền về Thương hiệu Hoài Trương đối với các sản phẩm và đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận; xây dựng trang Web, xây dựng quy trình sử dụng chữ ký số và hóa đơn điện tử; xây dựng mã Truy xuất nguồn gốc QR Code… Đặc biệt hơn 50 ha các loại cây trồng như cà phê, sa chi, dược liệu… để cung cấp cho sản xuất, chế biến các sản phẩm của HTX cũng đã được cấp Giấy chứng nhận Quy trình thực hành nông nghiệp tốt tại Việt Nam. Đây được xem là tiền đề quan trọng để HTX xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện nay.

Ông Trương Thanh Hoài – Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông lâm nghiệp Hoài Trương, huyện Chư Sê cho biết: “Trong năm 2020 đã được UBND tỉnh Gia Lai công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đối với bộ sản phẩm sa chi. Việc được công nhận này là 1 nền tảng hết sức quan trọng, chúng tôi đánh giá là như vậy và từ nền tảng này thì chúng tôi sẽ có động lực để xây dựng, hoàn thiện các khâu chế biến và trong quá trình hoàn thiện đó chúng tôi quan tâm đến chất lượng là số 1”.

Không ít HTX trên địa bàn tỉnh Gia Lai ra đời trong bối cảnh cả nước thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM để thực hiện tiêu chí số 13. Và với xu hướng chung cả thế giới đang hướng đến đó là sức khỏe và môi trường, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang, huyện Đak Đoa cũng không nằm ngoài vòng quay đó khi chọn sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và liên kết các thành viên để thực hiện sản xuất nông nghiệp sạch với quy mô tập trung, tạo vùng nguyên liệu lớn, nâng cao giá trị nông sản Gia Lai nói riêng và Việt Nam nói chung. Đến nay, bộ 04 sản phẩm Tiêu hữu cơ Lệ Chí của HTX gồm tiêu đỏ, tiêu sọ, tiêu đen và tiêu xanh đã đạt chứng nhận hữu cơ của Mỹ và Châu Âu. HTX cũng đã đăng ký thương hiệu độc quyền Tiêu Lệ Chí vào năm 2015 và kế hoạch trong thời gian tới sẽ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho Hồ tiêu Đak Đoa cũng như Tiêu Lệ Chí; tạo cơ hội cho sản phẩm xuất khẩu nhiều hơn ra thị trường thế giới.

Ông Ngô Văn Tiên – HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang, huyện Đak Đoa nói: “Đáp số cuối cùng đó là không ảnh hưởng đến môi trường, thứ hai đó là sản phẩm đầu ra cuối vụ test mẫu phải đạt loại A. Những công ty lớn thu mua nông sản sạch, hồ tiêu sạch thì họ cũng đưa ra cho mình một số quy trình và bà con bây giờ cứ chăm theo quy trình đó và bước vào vụ mùa thì họ sẽ đến xem mẫu và ký kết”.

Chủ trương, chính sách khuyến khích đổi mới HTX nông nghiệp đã được triển khai và phát huy tác dụng; và với sự nhạy bén của chính các HTX đã tạo sự phát triển cho các HTX nông nghiệp kiểu mới với mục tiêu: Cũng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động HTX gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp; hướng đến xây dựng và phát triển mô hình HTX nhanh và bền vững./.

Mỹ Tiến –  Xuân Huy – R’Piên


Lượt xem: 43

Trả lời